Cấm lái xe khi đã uống rượu, bia, kể cả đi xe đạp
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Điểm đáng chú ý nhất trong Luật này là cấm triệt để việc điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong người.
Tức là luật này cấm mọi hành vi lái xe khi người điều khiển đã uống rượu bia, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo).
Trong khi đó, luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, miễn không vượt mức cho phép.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 cũng quy định không được quảng cáo rượu bia trong khung giờ 18-21h hàng ngày trên các loại hình báo chí như báo hình, báo nói; không được quảng cáo rượu bia trên phương tiện giao thông; cơ sở bán rượu bia phải niêm yết không bán hàng cho người dưới 18 tuổi; không mở điểm bán rượu bia cố định trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo...
Ngoài ra, luật còn có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…
Xe máy phải dán nhãn năng lượng
Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.
Theo đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy định trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng.
Theo Thông tư, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe in nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Sau khi gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.
Việc dán nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai lại thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng khi tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng thay đổi; kiểu loại xe đã được công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng có những thay đổi mà không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải theo quy định;
Kèm với đó là công khai mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc kết quả kiểm tra, giám sát phát hiện mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế vượt quá 4% so với mức công khai của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.
Ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới
Ngày 28/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 16/2019/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2019 quy định lộ trình áp dụng t iêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.
Theo đó, tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông có lắp động cơ cháy cưỡng bức, ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021.
Riêng đối với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông, sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2020.
Ngoài ra, các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tiêu chuẩn khí thải 4 mức (1, 2, 3 và 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô.
Điều này đã được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải”.
Theo quy định mới này, từ ngày 1/1/2020, các loại xe ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới với mức cao hơn hiện nay, khi đó ô tô mới được cấp Chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay tổng số ô tô tại Việt Nam là trên 3,5 triệu chiếc. Tính toán cho thấy, trong năm 2020 sẽ có khoảng hơn 2,4 triệu xe ô tô được sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới.
Cấp giấy phép lái xe theo mẫu mới có mã QR
Theo đó, kể từ ngày 1/6/2020, giấy phép lái xe (GPLX) cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên GPLX và liên kết với hệ thống thông tin quản lý cấp GPLX. Những giấy phép được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép.
Kể từ ngày 1/5/2020 các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết
Lắp camera giám sát trực tiếp việc sát hạch lái xe và lấy vân tay học viên
Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, đối với công tác đào tạo, thông tư 38 quy định kể từ ngày 1/5/2020 các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, điều này có nghĩa là học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch.
Đặc biệt, Thông tư quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên.
Thông tư số 38/2019 sửa đổi của Bộ GTVT cũng bổ sung thêm hai môn học là xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái.
Đối với nội dung sát hạch, trước đây học viên chỉ thi 3 nội dung, nay bổ sung thêm nội dung là học viên phải sát hạch xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng.
Đáng chú ý nhất đó là từ ngày 1/1/2020, tất cả trung tâm sát hạch phải lắp đặt camera giám sát ở phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể truy cập trực tiếp giám sát quá trình sát hạch.
Việt Nam mở cửa đối với xe của các nước EU
Mới đây, Bộ Tài chính thông tin Việt Nam sẽ mở cửa đối với thị trường xe hơi EU khi Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trường hợp nửa đầu năm 2020 hai bên ký phê chuẩn, lộ trình giảm thuế nhập xe hơi từ EU sẽ được thực hiện ngay.
Theo Bộ Tài chính, trong vòng 9 năm đối với xe nhập khẩu từ EU có dung tích xy-lanh trên 3.0L sẽ được giảm thuế theo lộ trình dần dần. Hết 9 năm, thuế nhập xe hơi từ EU về Việt Nam sẽ bằng 0% như các xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam hiện nay.
Đối với các dòng xe dưới 2.0L, lộ trình cắt giảm thuế sẽ diễn ra trong 10 năm, sau 10 năm Việt Nam chính thức bỏ thuế đối với xe nhập EU có dung tích thấp.
Như vậy, nếu Việt Nam và EU chính thức thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan, chắc chắn thuế nhập xe hơi từ EU hiện là 70 - 75% sẽ được cắt giảm mạnh và cơ hội lớn cho các dòng xe EU vào Việt Nam, điều này đồng nghĩa với thị trường có sự cạnh tranh và người tiêu dùng có thêm lựa chọn.
Tuy nhiên, chặng đường cho tự do hoá và cạnh tranh của thị trường xe Việt Nam sẽ còn có nhiều chông gai, khó khăn cần phải vượt qua.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và chủ động có chính sách hỗ trợ (được phép) các doanh nghiệp ô tô sẽ lớn mạnh và người tiêu dùng Việt sẽ được hưởng lợi giá xe rẻ hơn.
Còn nếu vẫn thực hiện các chính sách bảo trợ và bản thân doanh nghiệp không quyết tâm Việt hoá xe hơi, người Việt có thể vẫn phải mơ xe giá rẻ trong tương lai xa.