Với Hội quán thanh xuân, chúng ta cùng nhìn lại hành trình một năm đầy cảm xúc cùng những người thực hiện, khách mời và khán giả của Quán thanh xuân - từ khóa nay đã trở nên thân thuộc với khán giả xem truyền hình cả nước.
Những câu chuyện riêng, những ký ức chung, những mơ ước của thế hệ và hơi thở của thời đại được truyền tải trong 11 số của Quán thanh xuân năm 2019, vào tối chủ nhật đầu tiên mỗi tháng thật gần gũi, dung dị và đong đầy xúc cảm. Đến với Quán thanh xuân, mỗi vị khách đều được nói lên câu chuyện riêng của mình, được lắng nghe, chia sẻ và giữ lại khoảng trời thanh xuân không bao giờ phai nhạt.
Hội quán thanh xuân - nơi gặp gỡ của những không gian thanh xuân
Tại không gian Góc phố bao cấp, chúng ta sẽ được gặp lại vợ chồng Giáo sư Đặng Hanh Đệ và nhắc lại câu chuyện đám cưới tại Quán thanh xuân số đầu tiên với tên gọi Mùa chim làm tổ. Nào là, tết đầu tiên của cô dâu mới, những câu chuyện đám cưới thời bao cấp… Những câu chuyện riêng của khách mời nhưng chạm vào vùng ký ức chung của nhiều người, do đó tạo nên sự thân gần rất đặc trưng của chương trình.
Tại không gian Chợ quê, chúng ta sẽ gặp lại nhà báo Ngô Bá Lục. Anh chia sẻ về cảm xúc sau khi lên hình Quán thanh xuân tháng 11 - Đồng quê thương nhớ. Chuyện quê dông dài, song với nhà báo Ngô Bá Lục vẫn còn nhiều điều chưa kể hết... Khách quen của chương trình thì khó có thể quên không gian của những chuyến tàu, một hình ảnh gợi cảm và vì thế đã xuất hiện ở Quán thanh xuân không chỉ một lần. Đó là Ngày mai anh lên đường (tháng 4), Ở hai đầu nỗi nhớ (tháng 9), Đường xa tuyết trắng (tháng 12)… 2 MC Diễm Quỳnh và Anh Tuấn cùng nhạc sĩ Trương Quý Hải, NSND ca sĩ Thanh Hoa xuất hiện ở không gian này, cùng đón mọi người đến với Hội quán thanh xuân.
Tết ở "chốn xưa"
Nơi lưu giữ thanh xuân của mỗi người có thể là ở "nhà quê" (Đồng quê thương nhớ - Quán thanh xuân tháng 11), ở thành thị (Nhà chật - Quán thanh xuân tháng 3) hoặc từ quê lên phố (Ký túc xá - Quán thanh xuân tháng 6). Chỉ cần chạm nhẹ, ký ức thanh xuân đã ùa về.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh kể về câu chuyện trên chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị. Có những câu chuyện tình yêu trong sáng, rung cảm đầu đời. Lại có cả những ký ức khốc liệt không thể nào quên về sự hy sinh của đồng đội.
Với nhà báo Phạm Thục, tuổi đôi mươi là đi dạy trên rừng. Tết đi hái mai rừng với học sinh. Về được phụ huynh tặng bánh chưng, làm nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà... Cách đây 30 năm, chị là đội phó đội Công tác xã hội Thành đoàn TPHCM, đã tập trung người cơ nhỡ và trẻ em để phát quà và đưa về "nhà mở" để họ có những cái Tết đầu tiên, còn mình về đến nhà đã qua mùng 1 Tết...
NSND Thanh Hoa thì đã đi dọc chiến trường trong nhiều mùa Tết. Lần đầu tiên biết tuyết 30 tết ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Trong những cái Tết trên đường lưu diễn ấy, bài hát được yêu cầu nhiều nhất chính là Làng lúa làng hoa.
Diễn viên kịch nói Minh Trang sau hàng chục năm vẫn nhớ về góc nhỏ dưới gầm cầu thang Nhà hát kịch Hà Nội; nhớ cảm giác cô đơn phải xa gia đình khi xung quanh mọi người về nhà ăn Tết; nhớ cảm giác mong chờ đến hết Tết để được đi tập lại...
NSƯT Minh Vượng thì đã không chỉ một lần nhớ cái Tết quê nhà đến cồn cào, đến mức không chịu nổi, cho đến khi được một người bạn dẫn đến thăm khu chợ Việt ở nước Nga, chưa đến chợ, đã ngửi thấy mùi rác quen thuộc, đã nghe tiếng cãi cọ xôn xao của người mình. Ôi mùi rác, ôi tiếng cãi nhau, sao mà thân thương đến thế! Việt Nam đây rồi! Dấu chân người Việt in trên khắp địa cầu, những dấu chân thanh xuân, được thắp sáng bền vững bởi cội nguồn, cốt lõi văn hóa của chúng ta. Cho dù đó là phẩm chất được đề cao, hay thậm chí những trái khoáy, những cố tật, thì vẫn là căn cốt, để chúng ta nhận ra chính mình, được sống hạnh phúc trọn vẹn, để tự tin là người Việt Nam, can đảm dấn bước, in dấu chân mình trên khắp thế gian tươi đẹp này.
NSND Hoàng Cúc kể kỷ niệm các diễn viên đi diễn Tết. Một đêm diễn cát-sê chỉ đủ tiền mua một bát phở. Có câu chuyện vui là ông chủ phở Thìn hễ nhìn thấy Minh Vượng, Hoàng Cúc, Minh Trang là tự gióng giả: 3 phở "không người lái" nhé. Khán giả của Hội Quán thanh xuân được nghe những câu chuyện diễn viên đi diễn đói, mà bác sĩ đi mổ cũng … đói - qua hồi ức của giáo sư Đặng Hanh Đệ.
Người ở chốn thanh xuân, gặp lại thanh xuân
Quán thanh xuân bắt đầu từ những câu chuyện rất riêng của mỗi người, thậm chí là những câu chuyện lần đầu chia sẻ. Thanh xuân được nhắc nhớ trong những bức thư tay viết vội, những kỷ niệm hẹn hò … Gương mặt ẩn hiện quá khứ có tên gọi chung là Người cũ. Người cũ có thể là thầy xưa (trong câu chuyện của NSƯT Minh Vượng), đồng nghiệp cũ (trong câu chuyện của NSND Hoàng Cúc), hay là câu chuyện mối tình đầu theo cả vào những ca khúc sau này của nhạc sĩ Trương Quý Hải …
Bên cạnh những ký ức riêng, thanh xuân còn được khơi gợi từ những vùng ký ức chung. Khán giả có dịp nhớ lại những câu chuyện đã cùng trải nghiệm ở Quán thanh xuân một năm qua. Tết của thanh xuân (Quán thanh xuân tháng 1) là hình ảnh cả nhà cùng nhau ngồi nghe đài, cả xóm cùng xem tivi hay truyền tay nhau những tờ báo. Khi mọi thứ thiếu thốn, hình như con người dễ chia sẻ với nhau hơn.
Thanh xuân trở về trong những hoài niệm về cảm xúc háo hức xếp hàng đi xem kịch Lưu Quang Vũ giữa những tháng ngày còn bộn bề khó khăn và thiếu thốn. Và đến bây giờ, thế hệ đầu tiên xem kịch Lưu Quang Vũ ngày ấy đã đi được nhiều chặng đường đời, đã nhìn thấy xã hội tiếp tục phát triển, rồi có cơ hội xem lại kịch của ông càng thấy trân trọng một tài năng lớn, khi dưới ngòi bút của ông, những nhân vật như có sức sống vĩnh cửu, là Điều không thể mất (Quán thanh xuân tháng 8).
Rạp chiếu bóng (Quán thanh xuân tháng 7) cũng là một từ khóa khơi gợi ký ức thanh xuân. Niềm vui chung của những ngày thiếu thốn/Những rạp chiếu phim của ký ức/Rạp chiếu bóng lưu động - chở niềm vui đến mọi miền tổ quốc/ Được xem phim - dù ở đâu - đích thị là niềm vui chung trong thanh xuân của nhiều thế hệ trong những ngày xưa thương khó.
Thanh xuân của mỗi người đều luôn ở lại trong chính ký ức và trái tim của họ, như than hồng chờ cơn gió nhẹ là có thể thổi bùng lên.
Đến Hội quán thanh xuân lần này, nhà báo Minh Đức mang đến bộ sưu tập băng cassette cũ; Nhà báo Chu Minh Vũ mang đến bộ sưu tập báo Hoa học trò được đóng gáy, lưu lại cẩn thận, đó cũng là kỷ vật hình thành ước mơ trở thành nhà báo của một cựu sinh viên Dược khoa như anh. Ca sỹ Thái Bảo mang đến kỷ vật là chiếc đàn guitar và câu chuyện chiếc đàn cùng chị đi biểu diễn khắp miền biên giới, góp phần mang lại không gian tươi vui ấm áp của những bó hoa ngày xuân, ca khúc xuân và một điệu nhảy rộn ràng...