Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ở đâu có phở, ở đó thấy Việt Nam

Mai Châm
Mai Châm

Khao khát hình thành tấm visa thông hành cho “sứ giả” của ẩm thực Việt Nam ra thế giới rực cháy được bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định, chia sẻ tại "Festival Phở 2024" diễn ra vào 15/3.

z5253328025600_eb0af6090e92b3cb61769afcda188d7b.jpg
Festival Phở 2024 chính thức được mạc vào chiều 15/3 tại thành phố Nam Định (Ảnh: Nhung Nhung). 

Chiều 15/3, tại thành phố Nam Định,  "Festival Phở 2024" chính thức được khai mạc với chủ đề "Con đường Phở Việt", mở màn cho chuỗi hoạt động đặc sắc xoay quanh món phở cho đến hết ngày 17/3.

“Thông qua các hoạt động của sự kiện chúng tôi muốn tôn vinh nghề phở truyền thống, góp phần lan tỏa mạnh mẽ, nâng tầm phở Việt trở thành một thương hiệu quốc gia, giúp phở Việt hội nhập mạnh mẽ, khẳng định giá trị ẩm thực trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới.

Để ở đâu có phở, ở đó thấy Việt Nam”, Bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định cho biết. 

z5253327799508_430ccfaaeebf36f6a102e991e4cba697.jpg
Bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định tại buổi tham quan làng nghề Vân Cù sáng 15/3 (Ảnh: Nhung Nhung). 

Cũng theo bà Lê Thị Thiết, hiện nay, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng nấu phở Việt Nam nhưng chưa thể sử dụng chuẩn các gia vị trong nấu phở.

Do đó, với chủ đề "Con đường phở Việt", trong "Festival Phở 2024", các nghệ nhân, đầu bếp Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các gia vị đặc trưng của Việt Nam trong việc tạo nên nồi nước dùng đúng vị. 

Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động tại "Festival Phở 2024" hướng tới đưa phở trở thành một thương hiệu quốc gia, gắn liền với phát triển du lịch trong và ngoài nước.

Thông qua lễ hội, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ tiến tới việc lập hồ sơ để đưa phở Việt vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn là trình UNESCO ghi danh.

Nói về ý nghĩa của "Festival Phở 2024", ông Lê Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, lễ hội này là sự kiện quan trọng giúp lan tỏa hình ảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống  tới bạn bè và du khách trong và ngoài nước. 

Ảnh1.jpg
Ông Lê Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chia sẻ tại hoạt động tham quan làng nghề Vân Cù  (Ảnh: Nhung Nhung). 

Về nỗ lực hướng tới đưa phở vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Thế giới, ông Lê Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam khẳng định đây là một hành trình đang được xây dựng một cách bài bản và bày tỏ thái độ tích cực về khả năng thành công. 

“Phở cần được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là một di sản văn hóa ẩm thực. Nếu bộ hồ sơ của chúng ta đảm bảo đủ 4 yếu tố: giá trị lịch sử, chuỗi giá trị tạo nên sản phẩm, con người, sự lan toả trong xã hội thì tôi tin phở Việt sẽ có khả năng được công nhận là món ăn di sản văn hoá của nhân loại”, ông Lê Tân nhận định.

Trong 3 ngày (15-17/3), "Festival Phở 2024" tổ chức rất nhiều hoạt động thúc đẩy quảng bá văn hóa phở như: Chương trình “Đi tìm hương vị phở Việt” quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu tham gia trình diễn, thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương hiệu;

Tọa đàm “Con đường Phở Việt và sợi Phở”; hai hoạt động quảng diễn hấp dẫn du khách với chủ đề “Tinh hoa Phở Việt”: quảng diễn “Hương vị phở Việt”, quảng diễn “Sợi phở Việt”; đêm nhạc trẻ “Phở trong tôi”,…

Điểm nhấn của "Festival Phở 2024" là các hoạt động quảng diễn hấp dẫn du khách với chủ đề “Tinh hoa Phở Việt”. Thực khách có cơ hội trải nghiệm những công đoạn làm nên món phở truyền thống như: phơi, hấp, thái sợi phở, tìm hiểu, lựa chọn các nguyên liệu nấu nước phở truyền thống; thưởng thức phở được chế biến theo phương thức truyền thống. 

Hoạt động đầu tiên là quảng diễn “Hương vị phở Việt” vào ngày 16/3 với sự tham gia của nhiều nhà hàng nổi tiếng của thành phố Nam Định và toàn quốc. Du khách có cơ hội được xem các nghệ nhân trình diễn các bí quyết nấu phở và thưởng thức những tô phở đặc sắc mang hương vị đặc trưng riêng của mỗi nhà hàng, thương hiệu. 

Hoạt động quảng diễn “Sợi phở Việt” được diễn ra trong ngày cuối của "Festival Phở" (17/3), nhằm giới thiệu các làng nghề làm bánh phở, các sợi phở đặc trưng theo vùng miền.

Du khách sẽ được xem các nghệ nhân chế biến các sợi phở khô, tươi đến từ nhiều địa phương như: phở Ngô (Hà Giang), phở hạt gạo (Hà Nội), phở hai tô (Gia Lai), phở sắn (Quảng Nam), phở sen, phở bột chuối xanh...

Nhung Nhung

Tin liên quan