Vụ việc gây ra nỗi lo ngại về tình trạng hàng ngàn biệt thự cổ ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng cũ nát, xuống cấp trầm trọng, đe dọa và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân.
Hiện trường vụ sập biệt thự cổ tại số nhà 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Lẽ ra con số thương vong còn cao hơn
Tòa nhà nằm ở số 107 phố Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Pháp đến nay đã hơn 100 tuổi, sau thời kỳ tiếp quản thủ đô thuộc sự quản lý của UBND TP. Hà Nội và cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam thuê và quản lý.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Phó Tổng giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) - Đoàn Duy Hoạch cho biết. Trước khi đổ sập hoàn toàn, tòa nhà thường xuyên có 35 cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý đường sắt 1 làm việc. Tuy nhiên, từ rạng sáng ngày 22.9, khi trời mưa lớn, 35 cán bộ, công nhân viên đã di tản đi nơi khác, do đó, thời điểm tòa nhà bị sập đổ chỉ còn lại 1 nhân viên bảo vệ, bị gạch rơi vào chân. Cũng theo ông Hoạch, những người bị kẹt lại khi tòa nhà đổ sập đa số là người dân sinh sống quanh khu vực đó. “Trong quá trình sử dụng, đã phát hiện có dấu hiệu bị dột, thấm nước, bong tróc trần nhà. TCty Đường sắt từ khi sử dụng chưa sửa chữa lớn thay đổi kết cấu tòa nhà do đây là biệt thự cổ thuộc diện bảo tồn, mà chỉ thực hiện duy tu bảo dưỡng, khắc phục tình trạng xuống cấp của tòa nhà”, ông Hoạch cho biết. Theo nhận định ban đầu nguyên nhân của sự sập đổ do tòa nhà đã quá cũ và do mưa lớn kéo dài liên tục nhiều ngày đã làm thấm dột tường gạch, giảm khả năng chịu lực, gây nứt, sập đổ kéo theo mái nhà sập xuống.
Ghi nhận tại hiện trường của PV Báo Lao Động, tới 20h ngày 22.9, công việc cứu hộ hết sức khẩn trương. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cùng Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội… trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác cứu hộ.
Có mặt tại hiện trường ông Nguyễn Quốc Hoa - PCT UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, đến trước khi sự việc xảy ra, UBND quận và thành phố chưa bao giờ nhận được văn bản báo cáo về sự nguy hiểm, nguy cơ sập của ngôi nhà trên. Hiện nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đang được các cơ quan chức năng của thành phố điều tra làm rõ.
Ông Hoa cho biết, UBND quận đã tổ chức thăm hỏi động viên các nạn nhân đồng thời hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình thân nhân có người bị thương là 1,5 triệu đồng, với người chết là 5 triệu đồng. Xung quanh tòa nhà có khoảng 16 hộ dân sinh sống và đi lại. Đối với các hộ gia đình ở sát cạnh, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, thành phố đã bố trí nhà tạm cư tại CT1 Định Công.
Vụ việc này đặt ra câu hỏi, hiện Hà Nội còn bao nhiêu biệt thự cũ nát chưa được sửa chữa và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Biệt thự trăm tỉ vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Hiện, trên toàn TP. Hà Nội có khoảng 1.600 ngôi biệt thự cổ, có tuổi đời từ trên 60 năm đến 100 năm. Trong đó 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, gần 1.100 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo nằm trong số này). Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, các biệt thự này chủ yếu nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Phần lớn được xây từ thời Pháp nên có hình dáng kiến trúc kiểu Pháp.
Do số lượng có hạn, lại nằm ở vị trí rất đẹp nên giá biệt thự cổ ở Hà Nội rất cao. Đặc biệt những biệt thự cổ ở những phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng có giá từ 500 - 800 triệu đồng/m2.
Giá cao như vậy nhưng khi mua và sống ở những biệt thự cổ này, chủ sở hữu phải tuân theo những quy định gắt gao về việc cải tạo. Theo quy định, những biệt thự cổ có giá trị về kiến trúc, mỹ thuật được đưa vào nhóm 1: Khi cải tạo, phục hồi, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của công, không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của công trình, việc cải tạo, phục hồi phải được cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Chính vì thế nên hầu hết những người dân đã sở hữu biệt thự cổ đều chấp nhận sống chung với tình trạng xuống cấp của căn nhà.
Đó là chưa kể ở Hà Nội, có những biệt thự cổ, xuống cấp nhưng lại là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình nên việc cải tạo rất khó khăn.
Tháng 7.2013, HĐND TP. Hà Nội cũng đã ra nghị quyết, trong đó nêu rõ biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định. Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 1.100 nhà chung cư cao 4 - 6 tầng. Đặc biệt có 10 khu nhà cũ (1 - 3 tầng) và 460 chung cư cũ nát có tuổi trên 30 năm.
Tuy nhiên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn và vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo chính là hồi chuông cảnh tỉnh để chính quyền kiêm quyết hơn đối với những hiểm họa treo trên đầu dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: Sẽ thanh, kiểm tra toàn bộ biệt thự cổ tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã có mặt tại hiện trường cùng các lực lượng chức năng kiểm tra làm rõ nguyên nhân và tham gia cứu hộ các nạn nhân. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong pháp luật đã quy định, tất cả các công trình điều phải được bảo trì, duy tu hằng năm, phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. Việc này chủ sở hữu phải làm. Nếu chủ sở hữu không làm, khi có sự cố xảy ra thì chủ sở hữu hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi phát hiện ra những nhà có dấu hiệu nguy hiểm thì các cơ quan chức năng có quyền kiểm tra. “Tôi được biết là sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra với căn biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo, UBND TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương tới đây sẽ thanh, kiểm tra đồng loạt toàn bộ các biệt thự cổ trên địa bàn”, ông Hùng cho biết. |