Các doanh nghiệp đã tận dụng những ưu đãi từ FTA để xuất khẩu hàng hóa.
Hưởng lợi từ xu hướng hội nhập toàn cầu
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, chuỗi cung ứng thế giới thay đổi tạo cơ hội cho Việt Nam nắm bắt xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, các FTA mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan.
Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ quốc gia đối tác.
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tỷ trọng của nền kinh tế, dệt may tận dụng hiệu quả các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Ngoài thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang các thị trường có FTA tăng trưởng rất tốt.
Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm 9,77%; Hàn Quốc đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm 8,93%; Trung Quốc đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm 8,3%; ASEAN đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm 6,59%.
Chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, đóng góp lớn nhất trong tổng xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP trong năm 2024 là Canada với 5,48 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong năm 2024 đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2023. Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cũng theo bà Trần Thu Quỳnh, dư địa xuất khẩu sang thị trường Canada cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Canada được đánh giá là thị trường tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và là cửa ngõ tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Đặc biệt, các sản phẩm như: Điện thoại, điện tử, điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo, chè, cà phê... sẽ có nhiều cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường Canada thông qua Hiệp định CPTPP, thuế suất xuất khẩu của những mặt hàng trên đang được hưởng lợi 0%.
Tuy nhiên, điểm hạn chế khi xuất khẩu, giao thương với thị trường các nước CPTPP là doanh nghiệp Việt chưa có nhiều thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng cũng như chính sách ưu đãi xuất khẩu và biện pháp phòng vệ thương mại.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho rằng, EVFTA đã mang lại những ưu đãi thuế quan đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.
Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế này, các doanh nghiệp phải hiểu rõ các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy định pháp lý, thị hiếu tiêu dùng tại EU - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Thông tin chính xác và kịp thời không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phù hợp mà còn tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong môi trường toàn cầu hóa.
Để tận dụng những ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại cũng như thích ứng với các khó khăn, thách thức từ thị trường, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và nâng cao trình độ công nghệ;
Chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan;
Đồng thời, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập nói chung, nhu cầu thị trường các quốc gia thành viên trong FTA nói riêng.
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 17