Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tết Hàn thực ngoài không thể thiếu bánh trôi bánh chay, còn không kiêng gì?

Thành Công
Thành Công

Tết Hàn thực thường được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Với ngày này không thể thiếu các món bánh truyền thống: bánh trôi, bánh chay, bánh nhót không nhân.

banh trôi.jpg
Bánh trôi ngũ sắc rất đẹp mắt, hấp dẫn

 

Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, hay còn gọi là Tết Hàn Thực, mỗi gia đình đều bận rộn chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay làm lễ Phật, cúng gia tiên. 

Tuy nhiên rất nhiều người lại không biết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết này. 

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc và gắn liền với một điển tích từ xa xưa được biên lại trong cuốn "Đông Chu Liệt Quốc". Để tưởng niệm lòng trung thành của Giới Tử Thôi, vua nước Tấn đã hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (từ mùng 3-5/3 âm lịch) và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn.

Vì lẽ đó, ngày này được gọi là Hàn thực. Sau này, người Trung Quốc đã giản tiện chỉ giữ lệ làm Tết Hàn thực vào ngày mùng 3/3.

Do ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc, nên người Việt cũng làm Tết Hàn thực. Tuy nhiên kể từ thời Lý, Tết Hàn thực đã được Việt hóa. 

Theo đó, người Việt Nam ăn tết Hàn thực để lễ Phật và cúng gia tiên. Vào ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam, chúng ta không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.

Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực của người Việt. Ngoài ra, trong ngày này, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè.

Đặc biệt, tại một số vùng ngoại thành Hà Nội và ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) thì người ta còn làm bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên.

banh qua nhot.jpg
Ngoài bánh trôi, bánh chay, một số tỉnh thành miền Bắc còn làm bánh quả nhót nhân tết Hàn thực 

 

Không chỉ thế, nhiều người cho rằng tục làm bánh trôi, bánh chay là để nhắc lại sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ.

Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con theo Âu Cơ lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng trở thành 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no.

Do đó, người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực.

2.jpg
Để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ

 

Lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ

Tuy bánh trôi, bánh chay là loại bánh dễ làm nhưng để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 phần hoặc 9 phần nếp với 1 đến non 2 phần gạo tẻ.

Ngoài bánh trôi, bánh chay, một số tỉnh thành miền Bắc còn làm bánh quả nhót nhân tết Hàn thực. Cũng được làm từ bột nếp nhưng bánh nhót không có nhân. Tùy từng nơi mà sau khi luộc chín, bánh sẽ được xào qua với mật hoặc dính thêm vài hạt lạc bên ngoài bánh.

Ngày nay, xung quanh cách làm bánh trôi, bánh chay cổ truyền, còn có rất nhiều biến thể như bánh trôi hình chân mèo đa dạng, phong phú, hay trộn bột bánh với lá dứa, gấc, khoai lang để có màu thật đẹp mắt.

Chưa kể, bánh chay thay vì đậu xanh, thì người dân có thể làm bánh chay bí đỏ, bánh chay nhân đậu đỏ... vô cùng hấp dẫn trong ngày Tết Hàn Thực.