Thuốc lá điện tử bán tràn lan trên thị trường
Chỉ cần lên trang Google gõ tìm kiếm “thuốc lá điện tử” sẽ có 35,2 triệu kết quả trong 0,64 giây. Tương tự, thông tin nhóm và bán hàng về thuốc lá điện tử cũng tràn ngập khắp nơi trên các trang mạng xã hội và trang thương mại điện tử.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều cửa hàng tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội)… giới thiệu và bày bán công khai các loại thuốc lá điện tử. Người tìm tới thuốc lá điện tử chủ yếu là thanh niên.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thuốc lá điện tử có mặt tại Việt Nam chủ yếu dưới dạng xách tay. Trong khi đó lại đang thiếu chính sách quản lý và quy định pháp luật cụ thể khiến cho việc kiểm soát, xử lý nhập thuốc lá thế hệ mới càng gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn từ năm 2020 đến quý I/2024, đã phát hiện 707 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 92 tỷ đồng.
Tại TPHCM, 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, tạm giữ 15.541 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, gồm: Thuốc lá điện tử, tinh dầu và phụ kiện với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng và đã xử phạt 347 triệu đồng.
Còn tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điện tử quy mô lớn. Điển hình, đầu tháng 5, lực lượng quản lý thị trường Thủ đô đã thu giữ 1 lô hàng với nhiều sản phẩm được gửi qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa.
Trong đó có 18 máy hút thuốc lá điện tử nghi có xuất xứ từ Trung Quốc; 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử trên vỏ hộp có chữ “Made in USA” và khoảng 6.300 gói thuốc lá thành phẩm khác, tương đương 12.600 bao thuốc lá.
Có thể thấy, dù chưa được phép kinh doanh, nhưng thuốc lá điện tử vẫn được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng xã hội, trang thương mại điện tử và bày bán công khai trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc người sử dụng có thể mua được thuốc lá điện tử khá dễ dàng và gần như không ai, không cơ quan quản lý nào có thể kiểm soát được chất lượng các sản phẩm này.
Điều đặc biệt nguy hại là để nhằm dụ dỗ giới trẻ, đối tượng buôn bán đã pha chế, trà trộn các chất độc hại, ma túy vào sản phẩm và giới trẻ vô tình hoặc hữu ý sử dụng ma túy dưới vỏ bọc hút thuốc lá điện tử. Thực trạng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để quản lý mặt hàng đặc biệt này.
Cần có chính sách thống nhất quản lý thuốc lá điện tử
Theo chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới hiện nay là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không có định nghĩa đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên vẫn tồn tại khoảng trống pháp lý trong việc quản lý sản phẩm này.
Do vậy, chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử) hiện không thuộc ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020.
Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2020 nêu rõ: “Kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
“Do chưa có chính sách, quy định pháp luật về quản lý thống nhất đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nên hiện nay lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong khi đó, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe dẫn đến tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử ngày càng diễn biến phức tạp, hiệu quả ngăn chặn, phòng ngừa hoạt động kinh doanh mặt hàng này chưa cao”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết.
Trước những bất cập về pháp lý cũng như tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; giao Bộ Công Thương tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Công Thương và Bộ Y tế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay cho phép thí điểm sản xuất, lưu thông mặt hàng này. Trong khi đó, thuốc lá thế hệ mới vẫn xuất hiện ngày càng phổ biến, len lỏi vào mọi ngóc ngách, thu hút ngày càng nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo các chuyên gia, việc không đưa thuốc lá điện tử vào quản lý sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Thất thu thuế, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát về thành phần, chất lượng...
Việc không cho phép lưu hành thì sản phẩm vẫn cứ tràn lan trên thị trường và càng chậm quản lý thì càng tạo điều kiện cho nguồn hàng buôn lậu, bất hợp pháp với giá thành hoặc rất cao, hoặc rẻ mạt, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
“Các loại thuốc lá thế hệ mới dù thí điểm hay chính thức đều là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đặt các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp bảo đảm người dùng được tiếp cận sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng cũng như thành phần bên trong sản phẩm”, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm.
Trước khi các quy định liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử được luật hóa, để hạn chế tối đa tác hại của nó cần nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách đẩy mạnh truyền thông về tác hại và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phẩm; đưa mặt hàng này trong diện hàng cấm, hàng lậu để kiểm tra, xử lý nghiêm nếu vi phạm, hạn chế sự thả nổi của mặt hàng thuốc lá điện tử như hiện nay.
Kỳ III: Bộ Y tế đề xuất cấm, Bộ Công Thương muốn thí điểm quản
Thùy Hương
Báo Lao động Xã hội số 66