Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cánh cửa đưa hàng Việt ra thế giới

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là mô hình kinh doanh, trong đó người bán và người mua ở các quốc gia khác nhau mua và bán hàng hóa thông qua trang TMĐT. TMĐT xuyên biên giới ngày càng trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

Bán hàng trên Amazon tăng hơn 300%

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, doanh số TMĐT bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực và thế giới.

Theo bà Huyền, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến 7.400 tỷ USD vào năm 2025.

gian hang.jpg
 Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử Alibaba. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thông tin về tình hình 5 năm triển khai xuất khẩu trực tuyến qua Amazon, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gajae Seong cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới khi chỉ trong vòng 5 năm (2019 - 2023), số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300%.

Xu hướng thứ hai là năng lực xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon, tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua.

Theo đánh giá của ông Gijae Seong, kết quả này cho thấy nỗ lực cất cánh toàn cầu mạnh mẽ của doanh nghiệp địa phương và củng cố vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất khẩu qua TMĐT.

Các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon cũng tăng gấp 35 lần. Doanh nghiệp Việt ngày càng sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ nhà bán hàng của Amazon để tinh giản khâu vận hành kinh doanh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm chia sẻ, dệt may cũng là 1 trong 5 ngành có kết quả TMĐT xuyên biên giới khá tốt. Trong 4 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất khẩu được 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông qua Amazon, sản phẩm dệt may đã đến với các khách hàng trực tiếp và khẳng định vị trí của sản phẩm dệt may Việt Nam bằng giá cả, cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh. TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra bệ phóng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, quy mô bắt đầu kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu thành công.

Làm gì để tận dụng thế mạnh TMĐT?

Theo dự báo của Amazon Global Selling, TMĐT có thể trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.

Để tận dụng lợi thế của thương mại số, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn TMĐT uy tín với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như: Amazon, Alibaba... để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp chặt chẽ với sàn TMĐT Alibaba xây dựng và phát triển Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên Alibaba.

Đây sẽ là nơi tập hợp 100 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia TMĐT xuyên biên giới, giúp thúc đẩy những thương hiệu Việt Nam thông qua thị trường quốc tế, thúc đẩy giao thương giữa nhà mua hàng quốc tế và nhà bán hàng tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để các mặt hàng Việt nhanh chóng gia tăng thị phần trên TMĐT, về chủ quan, chúng ta phải chủ động để tiến hành một số giải pháp, đó là: Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác theo quy định của phía bạn; liên doanh, liên kết tạo sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang TMĐT...

Các doanh nghiệp cần có sự phấn đấu nỗ lực chủ quan sáng tạo đổi mới, từng bước cải thiện cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới trên các nền tảng TMĐT.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng: Kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nâng cao năng suất lao động trong sản xuất và lưu thông, phân phối; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. 

Phương Anh

Báo Lao động Xã hội số 63

Tin liên quan
Thích nghi với nền kinh tế số

Thích nghi với nền kinh tế số

(LĐXH) - Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt đó là các giao dịch điện tử trên internet.