Ngày 11/4, Lưu Kiệt, 21 tuổi, game thủ (người chơi trò chơi điện tử) đã nhảy cầu tự vẫn tại sông Dương Tử, thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Theo truyền thông địa phương, thông tin về vụ việc được hé lộ từ các bài đăng trên mạng xã hội của chị gái và bạn bè của Lưu.
Họ đã chia sẻ các cuộc trò chuyện của anh với bạn gái cũ, bao gồm các khoản tiền mà anh đã chuyển cho cô. Lưu Kiệt được nhiều người biết đến với biệt danh trên mạng là “Pang Mao” hay “Mèo Béo”. Biệt danh này được đặt theo tên nhân vật trong một trò chơi điện tử nổi tiếng.

Sau khi báo đài đưa tin về cái chết của Lưu vào cuối tháng 4, vụ việc trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên Weibo, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, thu hút 120 triệu lượt xem và 735.000 lượt thảo luận tính đến nay.
Các nhà phân tích cho rằng, vụ việc trên đã “chạm đến nỗi lòng” của nhiều thanh niên, đặc biệt là đàn ông Trung Quốc. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và được kỳ vọng là người chu cấp tài chính chủ yếu trong một mối quan hệ.
Phó Giáo sư Mu Zheng, khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Strait Times, quan niệm thịnh hành trong xã hội Trung Quốc là "đàn ông nên là người chu cấp để đổi lấy những phẩm chất nữ tính của phụ nữ, chẳng hạn như sắc đẹp, tuổi trẻ, sự hỗ trợ về tình cảm và trách nhiệm gia đình".
“Vấn đề nằm ở sự kỳ vọng theo chế độ phụ hệ dành cho nam giới và nữ giới", giảng viên chuyên nghiên cứu về hôn nhân và gia đình ở Singapore và Trung Quốc cho biết thêm.
Theo Giáo sư Mu Zheng, những khoản tiền chuyển khoản của Lưu và việc người phụ nữ sẵn sàng trở thành bạn gái anh để đổi lấy những khoản tiền đó cho thấy những kỳ vọng điển hình trong các mối quan hệ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Lưu Kiệt quen bạn gái qua mạng năm 2022 nhưng họ chỉ gặp mặt trực tiếp vào cuối năm 2023. Bạn gái Lưu đã hứa sẽ kết hôn với anh vào cuối năm 2024. Chàng trai trẻ đã chuyển từ tỉnh Hồ Nam đến Trùng Khánh cách đây 2 năm, kiếm sống bằng cách “cày thuê” các nhân vật trò chơi điện tử cho người chơi khác.
2 năm qua, Lưu đã sống trong căn phòng không có giường ngủ hay nệm thoải mái. Các bài đăng trên mạng cho thấy, anh không đi khám bác sĩ khi bị ốm và không mua bữa trưa đủ chất mà chỉ ăn rau, củ đơn giản.
Dù vậy, Lưu Kiệt vẫn chủ động chuyển toàn bộ số tiền kiếm được của mình tổng cộng là 510.000 nhân dân tệ (khoảng 1,75 tỷ đồng) cho bạn gái để chi trả các hoạt động kinh doanh và các kỳ nghỉ, cùng những khoản chi tiêu khác của cô.
Cảnh sát Hồ Nam đang điều tra liệu hành động của cô bạn gái có phải là trò lừa đảo không. Cái chết của Lưu Kiệt để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trên mạng và ngoài đời.
Nhiều cư dân mạng đã đặt giao đồ ăn McDonald's và trà sữa đến cây cầu nơi anh tự vẫn như một sự tri ân dành cho chàng trai. Nhiều người đàn ông đồng cảm với áp lực mà Lưu phải đối mặt để có thể hỗ trợ tài chính cho bạn gái.
Giới trẻ Trung Quốc chia sẻ rằng, việc mất cân bằng giới tính làm trầm trọng thêm những áp lực mà nam giới nước này phải đối mặt khi tìm kiếm bạn đời. Theo cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2020 của Trung Quốc, số lượng nam giới tại nước này nhiều hơn nữ giới khoảng 30 triệu người.
Đối với những người trong độ tuổi từ 20 đến 40 - độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc, nam đông hơn nữ 17,52 triệu người, tương đương 108,9 nam trên 100 nữ.
Mặc dù thế hệ trẻ Trung Quốc đã có trình độ học vấn cao hơn nhưng những quan niệm truyền thống về việc đàn ông nên chu cấp tài chính cho bạn gái hoặc vợ vẫn còn phổ biến. Một người đàn ông Trung Quốc thường phải có nhà và xe hơi trước khi kết hôn. Người cầu hôn phải tặng quà đính hôn cho gia đình cô dâu tương lai.
Trong các cuộc phỏng vấn với Strait Times, nhiều bạn trẻ Trung Quốc cho rằng cái chết của Lưu Kiệt đã phơi bày những áp lực mà nam giới đang phải đối mặt, trong bối cảnh chi phí ngày càng leo thang mà thu nhập tăng ít hơn.
Nhà hoạch định tài chính Xu Linsheng, 30 tuổi, sống tại Thượng Hải cho biết, không nên lúc nào cũng mong đợi đàn ông là người chu cấp bởi vì “đôi khi phụ nữ mới là người kiếm được nhiều tiền hơn”.
“Người kiếm được nhiều tiền hơn có thể đóng góp nhiều hơn và bên kia có thể quyết định họ muốn cho bao nhiêu, dựa trên sự thảo luận với nhau”, ông nói thêm.
Chuyên gia Zhang nói rằng, tục lệ sính lễ dường như ngụ ý cho việc cha mẹ đang bán con gái của họ hoặc chỉ những người có điều kiện mới xứng đáng kết hôn. “Điều đó thực sự không công bằng”, anh nhận định.
Giám đốc quan hệ công chúng Summer He, 29 tuổi cho biết, cô rất đau lòng trước vụ tự tử. “Những gì đã xảy ra với “Mèo Béo” là bi kịch, một ví dụ tàn khốc về những góc khuất đen tối trong một mối quan hệ lãng mạn.
Thực tế, tôi thậm chí còn không thể gọi những gì anh ấy có là một mối quan hệ. Anh ấy có thể là nạn nhân của một trò lừa đảo”, cô nói thêm.
Bùi Thúy (theo Straits Times)
Báo Lao động Xã hội số 63