Các chuyên gia cho rằng, dù Việt Nam không nằm trong nỗi lo ngại về đòn áp thuế kỳ này nhưng về lâu dài, thuế tăng và giá hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ sẽ tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng, kéo theo sụt giảm nhập khẩu và điều này sẽ tác động đến Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam có thể bị vạ lây

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc sử dụng thuế quan như công cụ để bảo vệ sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người Mỹ của ông Trump không mới, đã từng được cảnh báo từ trước khi ông còn tranh cử.
Đáng lưu ý là tại nhiệm kỳ này, ông có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề kiến tạo chính sách. Chính sách thuế mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Canada và Mexico (tạm hoãn 1 tháng) đều nhằm ngăn chặn làn sóng tuồn thuốc gây nghiện fentanyl lớn vào nước Mỹ, song về lâu dài sẽ đánh vào hàng hóa.
Mỹ muốn có cách tiếp cận “win-win”, nghĩa là không còn chi nhiều tiền như trước, còn các nước khác phải đóng góp nhiều hơn để tạo ra một trật tự kinh tế, chính trị, an ninh mới mà Mỹ vẫn đứng đầu.
Với tỷ trọng hơn 30% giá trị hàng xuất sang thị trường Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể bị vạ lây vì chính sách thuế mới này. Đó là chưa tính đến trường hợp nhu cầu tại Mỹ sẽ dẫn tới việc hàng hóa giá rẻ từ một số quốc gia tràn sang những thị trường khác, tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa và các ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam.
Thứ hai, trong trường hợp xấu nhất, khi thấy kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh hàng Trung Quốc giảm vì bị áp thuế, nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam rất lớn... Năm 2023, Việt Nam thuộc top 3 các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lo gặp khó
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ có tác động đến quá trình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, sẽ có những khó khăn, thách thức hơn.
Bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, nhì của Việt Nam. Năm 2024, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Việt Nam và Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, giữ quan hệ tốt với Mỹ trên tất cả phương diện. Vì thế, dù có tác động bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng quá trình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ được thúc đẩy cùng nhiều cơ hội”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường mới, nhất là thị trường Halal (thị trường Halal bao gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác mà người tiêu dùng Hồi giáo có thể sử dụng mà không vi phạm các quy tắc tôn giáo), đồng thời duy trì tốt những thị trường truyền thống.
Để đạt mục tiêu, Việt Nam cần chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi kỹ lưỡng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh bạch, rõ ràng.
Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng nhưng nếu sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thì sẽ luôn tìm thấy cơ hội.
“Càng ra biển lớn càng khó khăn nhưng càng khó khăn thì càng phải nỗ lực để giữ vững thị trường trên cơ sở tổ chức sản xuất tốt theo hướng kinh tế xanh”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cân bằng giữa việc tận dụng cơ hội từ căng thẳng Mỹ - Trung và bảo vệ quan hệ thương mại với Mỹ.
Một số biện pháp quan trọng gồm: Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, đàm phán thương mại song phương, tăng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, đầu tư vào hạ tầng và logistics, chuyển đổi số và tăng năng suất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngày 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu từ các nước. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ cho biết, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước. Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ. "Nếu Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống", ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và 2 vụ việc điều tra với nhôm. |
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 19