Những thách thức trong kỷ nguyên số và mạng xã hội
Năm 2009, khi Walter Cronkite, nhà báo huyền thoại của truyền hình Mỹ qua đời, tin tức chạy trên mặt báo Mỹ khi đó có tiêu đề thông báo ngắn gọn: "Người đáng tin cậy nhất nước Mỹ đã ra đi". Tổng thống Barack Obama ngày hôm đó ra thông báo chia buồn cũng nhấn mạnh, trong nhiều thập niên, Walter Cronkite là tiếng nói đáng tin cậy nhất nước Mỹ…
Tuy nhiên, những thập kỷ mà báo chí chính thống có vai trò, sức mạnh dẫn dắt, định hướng dư luận về sự thật như thời của Walter Cronkite đã không còn nguyên bản trong kỷ nguyên phát triển của internet và mạng xã hội. Ngày nay, mạng xã hội là xu thế phát triển tất yếu, là nhu cầu không thể thiếu của thời đại cách mạng 4.0. Đối với báo chí, mạng xã hội đã và đang tạo ra nhiều tiện ích và cả những hệ lụy. Làm thế nào để khai thác hiệu quả mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí để nó không trở thành "con dao hai lưỡi" là bài toán mà những người làm báo đang đi tìm lời giải…
Thực tế cho thấy không thể phủ định vai trò của mạng xã hội đối với báo chí. Không chỉ là nơi cung cấp thông tin, đề tài cho các nhà báo, mà nhờ mạng xã hội, thông tin từ báo chí được quảng bá rộng rãi theo cấp số nhân. Có thể khẳng định, mạng xã hội chính là kênh tương tác giữa báo chí với độc giả và làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống.
Tuy có sự tương hỗ lẫn nhau trong quá trình tiếp cận với công chúng, song cũng phải khẳng định một điều: Những thông tin trên mạng xã hội không phải là báo chí. Sự tác động qua lại giữa một hình thức chuyển tải thông tin chính thống như báo chí với một loại hình giao tiếp mới mẻ, năng động như mạng xã hội có thể kéo theo nhiều hệ lụy cần được nhận thức rõ ràng.
Trong khi mạng xã hội tạo ra một cuộc cách mạng tác động mạnh đến bức tranh báo chí toàn cảnh thì nó cũng dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Để chạy đua với mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí dường như không còn được kỹ càng như trước đây. Sự kiểm chứng đó nhiều khi được thay thế bằng sự kiểm chứng của đám đông, nhiều tòa soạn cũng như các nhà báo đang áp dụng cách làm nguy hiểm là "đăng trước, sửa sau nếu cần thiết". Có những trường hợp mà chính báo chí và kể cả các cơ quan chức năng bị cuốn theo áp lực trên mạng xã hội, dù rằng ai cũng hiểu không phải lúc nào số đông cũng có ý kiến đúng.
Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không hề được kiểm chứng và không đảm bảo tính công bằng và cân bằng - giá trị cốt lõi của báo chí. Tin giả trên mạng xã hội đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến cho niềm tin đối với báo chí, cả trên thế giới và ở Việt Nam rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải những thông tin sai sự thật và thiếu kiểm chứng đã phải chịu án phạt của cơ quan quản lý báo chí. Câu chuyện này không chỉ ít nhiều làm mất niềm tin của công chúng đối với báo chí nói chung mà còn dấy lên mối lo ngại về quy trình tác nghiệp của một số phóng viên trước áp lực tin bài.
Từ "người gác cổng" đến vai trò định hướng
Năm 1943, nhà tâm lý học người Đức K.Z.Lê-uyn nêu ra một lý thuyết gọi là "gác cổng", vốn ban đầu chỉ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tâm lý, nhưng sau này được áp dụng trong cả khoa học chính trị, xã hội học, nghiên cứu truyền thông và nhất là báo chí. Suốt hàng trăm năm phát triển của báo chí, đặc biệt là thời kỳ đỉnh cao vào thế kỷ 20 và mãi đến tận những năm đầu của thế kỷ 21, báo chí luôn gắn liền với lý thuyết gác cổng như thế. Trong rất nhiều sự kiện xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ, nhà báo có quyền chọn hoặc không chọn thông tin để đưa đến công chúng; còn người đọc, người nghe, người xem phụ thuộc khá nhiều vào thông tin trên mặt báo hoặc các kênh phát thanh - truyền hình.
Nhưng giờ đây, toàn bộ quy trình của báo chí đã được định hình lại. Các phương tiện để thu thập thông tin, tạo lập thông tin và truyền bá thông tin đã thay đổi mạnh mẽ nhờ những sự chuyển mình về công nghệ. Hệ thống internet toàn cầu và điện thoại thông minh giúp công chúng có thể truy cập, chia sẻ và thậm chí tự tạo ra tin tức. Những "người gác cổng" như cơ quan báo chí hay các nhà báo không còn là những kênh duy nhất trong cả khuôn khổ thông tin kết nối, nơi mà những "đại gia digital" mới như Google, Facebook hay Buzzfeed dường như đang chiếm ưu thế.
Trong bối cảnh đó, Hội tụ truyền thông - xu thế hợp nhất các chức năng truyền thông xuất hiện ở các nước phát triển vào đầu những năm 2000, bao gồm hội tụ kỹ thuật, hội tụ về cách thức đưa tin và cả về cơ cấu tổ chức của một cơ quan báo chí. Ở Việt Nam, để thích ứng với xu hướng phát triển mới, lãnh đạo nhiều tờ báo cũng cho triển khai mô hình tòa soạn hội tụ. Với những thay đổi lớn và một môi trường truyền thông mới đang hình thành, một mặt công chúng đang sở hữu sự tự do trong việc đăng tải và nắm bắt thông tin, mặt khác họ cũng đang ở trong tình cảnh hoang mang, thậm chí đôi khi lạc lối trước một "biển thông tin". Trong môi trường đó, đòi hỏi những người làm báo truyền thống cần kịp thời chuyển đổi vai trò từ "người gác cổng thông tin" sang người định hướng thông tin, có như thế, báo chí mới có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công chúng…
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: "Báo chí phải tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội, thay vì đưa nội dung báo mình lên mạng xã hội của người khác thì mỗi báo phải là một mạng xã hội thu nhỏ của mình".
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, mạng xã hội là một thách thức lớn với báo chí. Báo chí không được chạy theo mạng xã hội mà phải thắng, vượt lên ở độ chính xác. Báo chí phải trả lời vấn đề mạng xã hội đưa ra. Trách nhiệm của báo chí là xác lập nên độ tin cậy của thông tin. Người làm báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội. Nói cách khác, mọi cơ quan báo chí truyền thông cần nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 và tính tất yếu của sự đổi mới, để xây dựng cách thức quản lý báo chí truyền thông trước thách thức và sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội.
"Mỗi nhà báo cần nâng cao trách nhiệm, trau dồi kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số, thực hiện nghiêm Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức người làm báo; phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, vun đắp niềm tin của công chúng. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là báo mạng điện tử phải chỉ đạo sao cho phóng viên viết đúng theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo…", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.