Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuyên Quang: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60% năm 2020

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của toàn tỉnh năm 2020 lên 60%. Trong đó tỷ lệ lao động đào tạo nghề nghiệp đạt 37%- đó là một trong những chỉ tiêu mà ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang đặt ra trong năm 2020…

Tuyển sinh đào tạo nghề cho 8000 lao động

Với mục tiêu cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu lao động xã hội, trên cơ sở kết quả đào tạo năm 2019 và chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh năm 2020 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đặt ra kế hoạch tuyển sinh và đào tạo cho 8.000 người. Trong đó: Cao đẳng: 220 người; Trung cấp:500 người; Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 7.280 người. Đồng thời, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của toàn tỉnh năm 2020 lên 60%. Trong đó tỷ lệ lao động đào tạo nghề nghiệp đạt 37%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, năm 2020, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện gồm:

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyển sinh, đặc biệt quan tâm đến tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhất là các nghề phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời phục vụ nhiệm vụ xuất khẩu lao động, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả về trước mắt và lâu dài như các ngành nghề du lịch, cơ khí, xây dựng, dịch vụ, sản xuất và chế biến nông nghiệp, điện tử - viễn thông, y tế… Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu học nghề của người lao động; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp nhằm định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh.

Tuyên Quang: Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60% năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (thực hiện theo Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020).Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở phù hợp với năng lực đào tạo và khả năng phát triển. Từng bước cấu trúc lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh; hình thành trường cao đẳng, trung cấp đào tạo đa cấp trình độ, trường chất lượng cao.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định; tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hình thức tín chỉ hoặc mô-đun dựa trên cơ sở Khung trình độ Quốc gia và các quy định hiện hành.Hướng dẫn, hoàn thành việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Điều lệ hoạt động trường theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bà Mai Thị Thanh Bình- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2020, tỉnh yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, thành phố phải đánh giá được số lượng lao động đã qua đào tạo thời đánh giá được nhu cầu người lao động cần đào tạo để xây dựng kế hoạch cho phù hợp và bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ cấp cấp cơ sở; giám sát chặt chẽ việc tổ chức đào tạo nghề trên địa bàn, chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí phân bổ cho các chương trình, dự án, đề án.... Mỗi huyện, thành phố và cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xây dựng và phát huy thế mạnh riêng về lĩnh vực dạy nghề để tự khẳng định chất lượng nguồn nhân lực cũng như uy tín trong đào tạo dạy nghề.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; được tuyển sinh nhiều lần trong năm. Khuyến khích tổ chức đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, hướng tới đào tạo theo tín chỉ phù hợp với khung trình độ quốc gia đã được Chính phủ ban hành, thực hiện tự kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

"Bên cạnh việc tăng cường củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất trang thiết bị, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, đội ngũ giáo viên, hoàn thiện danh mục các nghề đào tạo và ổn định quy mô tuyển sinh đáp ứng cho các nhu cầu về hoạt động giảng dạy và nhu cầu học nghề của người lao động, năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề, tập trung mọi nguồn lực và lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, Đề án, Dự án để ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các xã xây dựng nông thôn mới, lao động di dân tái định cư, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm…", bà Mai Thị Thanh Bình cho biết.