Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vắc-xin AstraZeneca - Nên ưu tiên tiên cho nhân viên y tế và người 65 tuổi trở lên

(Dân sinh) -Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vắc xin giai đoạn đầu tiên.

Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vắc xin COVID 19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng vắc xin dự kiến Việt Nam sẽ được nhận là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25 – 35% số liều sẽ được cung cấp trong quý 1 và 65 – 75% trong quý 2 năm 2021. 

Vắc xin được sử dụng trong đợt này là vắc-xin của Hãng Astra Zeneca. Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca là loại vắc-xin ngừa SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược AstraZeneca. 

Hiện vắc xin này đã được cấp phép lưu hành 01 năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Vắc-xin AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độC) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Nên ưu tiên tiêm vắc-xin trước cho những trường hợp nào?

Hiện nay với nguồn cung cấp vắc-xin còn hạn chế, vì vậy khuyến cáo nên ưu tiên tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và những người từ 65 tuổi trở lên.

Việc tiêm ngừa vắc-xin cũng được khuyến cáo đối với những người có bệnh lý nền đi kèm (Đã được xác định là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng) bao gồm béo phì, bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp và đái tháo đường.

Vắc-xin AstraZeneca - Nên ưu tiên tiên cho nhân viên y tế và người 65 tuổi trở lên  - Ảnh 1.

204.000 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên dự kiến về tới Việt Nam ngày 28/2

Mặc dù cần phải có những nghiên cứu sâu hơn đối với những người nhiễm HIV, các bệnh tự miễn hoặc những người bị suy giảm miễn dịch, những trường hợp này được khuyến cáo có thể được tiêm ngừa sau khi nhận được thông tin và tư vấn.

Người từng mắc COVID-19 cũng có thể nên tiêm vắc-xin. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin hiện tại, những người này có thể trì hoãn việc tiêm vắc-xin đến 6 tháng kể từ lúc bị nhiễm SARS-CoV-2.

Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin nếu họ thuộc nhóm được ưu tiên. WHO không khuyến cáo ngưng cho con bú sau khi tiêm vắc-xin.

Mặc dù phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng hơn, nhưng có rất ít dữ liệu để đánh giá tính an toàn của vắc xin trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm chủng nếu lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn của vắc-xin.

Những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin không nên dùng. Đồng thời, vắc-xin này không được khuyến cáo cho những người dưới 18 tuổi trong khi chờ kết quả của các nghiên cứu sâu hơn.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương có dịch chiều ngày 15/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt trong vấn đề tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 của COVAX facility. Hiện cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX facility.

Như vậy, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vắc xin COVID-19 tương đối tốt.

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...