Tham dự cuộc họp có ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo Vụ Kỹ năng nghề, Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Nhà giáo, Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và Văn phòng thuộc Tổng cục. Về phía Australia có bà Jen Bahen, Tham tán giáo dục, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; bà Rebecca, đặc phái viên phụ trách Đông Nam Á, bang Victoria – Australia và một số cán bộ thuộc Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, bà Jen Bahen, Tham tán giáo dục, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam chia sẻ một số nội dung tập trung về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng của Australia trong thời gian qua. Với việc phát triển và triển khai các gói đào tạo (traning Packages), Chính phủ Úc đã thể hiện sự cải cách về công tác giáo trình, chương trình đào tạo trong phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp vào phát triển chương trình đào tạo.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề và phát triển kỹ năng, mô hình đại sứ nghề của Úc là điểm nhấn, thể hiện tính hiệu quả cao trong quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề qua các hoạt động, qua hình ảnh của các đại sứ nghề. Kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng tới tự kiểm định đối với các cơ sở đào tạo. Úc đã chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, Chính phủ Úc đầu tư hàng triệu đô la Australia để duy trì hoạt động đào tạo nghề, tập nghề. Bên cạnh đó, Tham tán giáo dục Jen Bahen đánh giá cao mô hình đại sứ kỹ năng nghề, ngày kỹ năng lao động Việt Nam vừa được triển khai tại Việt Nam.
Đại diện các Vụ đơn vị thuộc Tổng cục chia sẻ một số nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp. Các mô hình thí điểm về Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp (ILO hỗ trợ), lĩnh vực nhà hàng – khách sạn (Úc hỗ trợ) đã được triển khai song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiến độ có chậm lại, phấn đấu đến tháng 6/2021 sẽ hoàn thành dự án. Vừa qua, mô hình đại sứ kỹ năng nghề đã được hình thành, tiến tới sẽ tiếp tục phát triển về mặt đội ngũ, tuy nhiên nâng cao chất lượng đại sứ kỹ năng nghề, giúp họ thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò, sứ mệnh của mình thì cần Chính phủ Úc hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm.
Xuất phát từ yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với dự báo xuất hiện nhiều ngành nghề, việc làm mới, chẳng hạn như ICT, điện tử, công nghệ thông tin, Chính phủ Úc có thể hỗ trợ để triển khai thêm các mô hình Hội đồng kỹ năng nghề đối với các ngành nghề này. Đào tạo, đào tạo lại hiện là yêu cầu tất yếu mà giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Việc đào tạo theo hình thức trực tuyến sẽ được đẩy mạnh, tuy nhiên còn thiếu về các quy định về tiêu chuẩn đối với nhà giáo, người học, hạ tầng, học liệu và đảm bảo chất lượng đào tạo,..
Thông qua sự trao đổi, đề xuất của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phía Úc thống nhất một số hoạt động ưu tiên hợp tác trong thời gian tới như: Hỗ trợ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề đối với một số ngành nghề Úc có thế mạnh; Tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao hình ảnh giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; các chương trình đào tạo nghề cho nhóm yếu thế; công nhận kỹ năng nghề; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục nghề nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0; chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến; thúc đẩy hợp tác cấp trường; trao đổi học sinh, sinh viên và giáo viên.
Cũng tại cuộc họp, bà Rebecca, đặc phái viên phụ trách Đông Nam Á, bang Victoria – Australia đã trao đổi về khả năng hợp tác tiềm năng giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bang Victoria.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chúc mừng bà Jen Bahen với cương vị vừa đảm nhiệm là tham tán giáo dục, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Hy vọng trên cương vị mới, bà Jen Bahen tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác truyền thống trong thời gian tới. Tới nay, Giáo dục nghề nghiệp đang trong tiến trình xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 với những giải pháp đột phá đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp trước năm 2030. Khi đó hệ thống giáo dục nghề nghiệp có thể đảm bảo cả yếu tố số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực đáp ứng một cách đẩy đủ yêu cầu của thị trường lao động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ số hóa. Đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới. Chiến lược đang xây dựng sẽ tập trung vào đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên, người học...; tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo.