Đây là thông tin được đưa ra trong buổi công bố kết quả nghiên cứu mới đây về vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 diễn ra ngày 4/2.
Nghiên cứu trên do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện.
Theo báo cáo, Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ chủ tịch Quốc hội, và cũng là khóa đầu tiên có 26,7% đại biểu là nữ. Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội - đứng thứ 65 trên 162 quốc gia.
Nghiên cứu "Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016- 2021" cho thấy nam đại biểu Quốc hội chủ động hơn trong việc tiếp xúc với cử tri. Song, nữ đại biểu Quốc hội thường tiếp xúc với cử tri qua mạng xã hội hơn nam đại biểu.
Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá, thể thao và du lịch; dân tộc; lao động thương binh và xã hội; tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đồng tình rằng nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các lĩnh vực về giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Về phẩm chất và năng lực, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất "phát ngôn đúng mực" và "có khả năng thuyết phục" cao hơn so với nam đại biểu.
Lợi ích của cử tri tại địa phương ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định của cả nam và nữ đại biểu Quốc hội khi tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể. Đồng thời, nguyện vọng của cử tri là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Để đạt mục tiêu tăng số nữ đại biểu Quốc hội đến năm 2030, nghiên cứu khuyến nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương 7 (Khóa XII). Theo đó, cấp ủy viên các cấp phải đạt từ 20-25% là nữ; đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35% là nữ.