Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Xây dựng một Chính phủ năng động

Sáng nay (1/6), Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến quy định về số lượng cấp phó, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng.

Đề nghị thành lập Bộ Ngư nghiệp

                  Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, qua thảo luận, vấn đề này vẫn còn có ý kiến khác nhau. Các ĐB Danh Út (Kiên Giang), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và một số đại biểu khác cho rằng, không nên quy định cứng số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật để tạo điều kiện chủ động hơn cho Quốc hội trong việc quyết định cơ cấu của Chính phủ, bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu tổ chức bộ máy của Chính phủ ở từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Theo ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai), việc không ghi rõ số lượng, cơ quan ngang bộ trong dự thảo sẽ giúp việc xây dựng một chính phủ năng động, có thể ứng biến tùy theo yêu cầu của từng thời kỳ. Nếu luật quy định cứng thì sẽ khó khả thi và không đảm bảo tính ổn định của luật.

Về quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, các ĐB Bùi Thị An (Hà Nội), Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) , Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tán thành với quy định về số lượng cấp phó như trong dự luật nhưng đề nghị, dự luật không quy định thêm về các trường hợp ngoại lệ.

“Luật càng cụ thể càng tốt, càng khả thi, nếu chung chung, còn quy định mềm thì sẽ sinh ra rất nhiều chuyện. Tôi đề nghị, tới đây, cơ quan nào trình bổ sung thêm cấp phó ngoài quy định của luật thì được coi như là hành động vi luật và cần bị xem xét xử lý trách nhiệm”- ĐB Bùi Thị An nói.

Nhất trí các bộ có không quá 5 cấp phó; các bộ công an, quốc phòng, ngoại giao có không quá 6 cấp phó. ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị luật không nên giao Thường vụ Quốc hội được quyết bổ sung thêm cấp phó trong trường hợp cần thiết. Theo đại biểu, quy định như vậy là đặt quyền của Uỷ ban Thường vụ cao hơn Quốc hội.

Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đề nghị, cần tách Bộ NN&PTNT ra thành lập riêng một Bộ để quản lý lĩnh vực ngư nghiệp, thủy sản. Theo ĐB Chi, hiện nay, mảng nông nghiệp, ngư nghiệp nhất là mảng thủy sản đối với những tỉnh có vùng biển vấn đề quản lý rất phức tạp, không được chuyên sâu. Do vậy, nên thành lập một bộ riêng để quản lý mảng này thì mới có thể chuyên sâu, giúp cho bà con phát triển kinh tế, trong tình hình xây dựng nông thôn mới cũng như trong tình hình biển đảo hiện nay.

ĐB Kim Chi cũng cho rằng cần trao thêm thẩm quyền cũng như trách nhiệm quản lý của cấp phó cấp Bộ và Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng. “Văn bản hướng dẫn chậm ban hành cũng vì người hiểu sâu về lĩnh vực đó thì không có thẩm quyền ký ban hành”, ĐB chi nói.

 

Đại biểu Phùng Đức Tiến phát biểu ý kiến tại kỳ họp. (Ảnh: An Đăng - TTXVN).

 

Khác quan điểm của ĐB Chi, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lại đề nghị quy định cụ thể số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ vào Luật. “Chính phủ cần đi đầu trong việc ổn định tổ chức, thể hiện tinh thần nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế để các địa phương, cơ quan làm theo”-ĐB Phùng Đức Tiến phát biểu.

Làm rõ quyền hạn của Thủ tướng

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri trước kì họp, cử tri luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri cho rằng, thời gian qua, tình trạng tham nhũng không được đẩy lùi mà còn gia tăng. Do đó trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong công tác này cần phải đưa vào Luật và quy trách nhiệm cụ thể. “Người đứng đầu là thủ tướng phải có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”- ĐB Huỳnh Văn Tiếp đề nghị.

 

 

Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ

 

Một số ý kiến đề nghị cần xem xét lại quy định Thủ tướng có quyền cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp với dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Vì hiện nay, dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định: Hội đồng nhân dân có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND cùng cấp. Dự thảo Luật cũng quy định, đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, nếu vi phạm pháp luật thì Thủ tướng có quyền quyết định tạm đình chỉ chức vụ và đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm. Do đó, cần có quy định cho thống nhất để giải quyết mối quan hệ giữa quyền cách chức của Thủ tướng với quyền bãi nhiệm của HĐND. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, định kỳ 6 tháng một lần, Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước Quốc hội và nhân dân.