Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, truyền thông, công tác báo chí, truyền thông vẫn còn một số hạn chế, bất cập, những vấn đề mới phát sinh cần được giải quyết kịp thời. Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo còn phân tán, chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; thông tin chưa bám sát tư tưởng chỉ đạo, định hướng báo chí, nhiệm vụ chính trị, nhất là chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, lan tỏa các hành động tích cực, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến… Công tác quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên vẫn chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, vẫn để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động báo chí và những người làm báo chân chính. Những vấn đề đó đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: "Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập".Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đó, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".
Thực chất yêu cầu trên là sự tiếp tục nhất quán chủ trương của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 1/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, trong đó xác định: "Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ".
Yêu cầu xây dựng nền báo chí, truyền thông nhân văn và hiện đại cũng thể hiện chủ trương của Đảng trong việc gắn kết thống nhất giữa hai mặt phát triển và quản lý trong quá trình xây dựng và vận hành một công cụ quyền lực vô cùng quan trọng của Đảng, của chế độ. Phát triển hệ thống báo chí, truyền thông mạnh, phong phú, nhân văn, hiện đại chính là xây dựng, củng cố một công cụ của Đảng trong giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ văn hóa và nhận thức chính trị cho nhân dân, động viên, cổ vũ sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là một loại hình vũ khí vô cùng sắc bén, lợi hại của Đảng trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu thù địch, phá hoại kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ những thành tựu cách mạng và công cuộc hòa bình xây dựng, phát triển đất nước.
Nhưng phát triển báo chí, truyền thông phải gắn liền với tăng cường quản lý, bảo đảm cho báo chí, truyền thông hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực sự và luôn luôn là trường học cộng sản của nhân dân, vũ khí tư tưởng của Đảng, phương tiện quản lý của Nhà nước. Quản lý chính là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển hiện đại của báo chí, truyền thông, không phải là yếu tố hạn chế sự phát triển, hạn chế sức mạnh và vai trò vô cùng quan trọng của báo chí, truyền thông trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Với mục đích ấy, vấn đề đặc biệt nổi lên và có tính thời sự hiện nay chính là sự phát triển nhanh chóng và ảnh hưởng mạnh mẽ vào đời sống xã hội của internet và mạng xã hội. Quan điểm rất rõ ràng của Báo cáo Chính trị Đại hội XIII là "Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin internet và mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến đời sống chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục".
Một lần nữa, quan điểm về quản lý gắn liền với phát triển lại được thể hiện trong chủ trương của Đảng đối với internet, một loại hình phương tiện truyền thông ngày càng phổ biến, đang làm thay đổi nhanh chóng lối sống của người dân và ngày càng tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước.