Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 với trên 464.200 ca tử vong trong tổng số hơn 27,2 triệu người nhiễm bệnh. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 81.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 10,8 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 154.800 trường hợp thiệt mạng. Ngày 4/2, Ấn Độ báo cáo trên 11.700 bệnh nhân nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 56.300 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc bệnh lên hơn 9,39 triệu trường hợp. Đến nay, gần 228.800 bệnh nhân Covid-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, có một số "dấu hiệu hy vọng", nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn quá cao để có thể xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo nhà lãnh đạo Anh, mặc dù số ca nhập viện có chiều hướng giảm, Cơ quan y tế quốc gia (NHS) của Anh hiện vẫn đang chịu áp lực lớn. Theo số liệu thống kê mới nhất, với trên 20.600 ca mắc mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, hiện nước Anh ghi nhận tổng cộng hơn 3,89 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 110,250 trường hợp tử vong. Anh hiện đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ hai châu Âu về số ca nhiễm.
Chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế do số ca nhiễm và nhập viện tại vùng này bắt đầu thuyên giảm. Trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế khác được áp đặt từ hồi đầu tháng 1 tại Catalonia sẽ vẫn có hiệu lực do vùng này chịu tác động của dịch bệnh lớn thứ hai tại Tây Ban Nha. Số ca nhiễm trung bình trên 100.000 người ở vùng Catalonia đã giảm xuống 494 ca vào ngày 3/2, giảm so với 589 ca của một tuần trước và kỷ lục 620 ca hồi giữa tháng 1/2021. Đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận trên 2,94 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 60.800 trường hợp tử vong.
Giới chức Hàn Quốc vừa cảnh báo về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4. Theo giới chức y tế Hàn Quốc, nhiều người dân đang có tâm lý chủ quan, lơ là cảnh giác vì chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được triển khai từ trung tuần tháng 2. Điều này sẽ khiến làn sóng lây nhiễm thứ 4 có khả năng bùng phát trong thời gian tới. Thủ tướng Hàn Quốc cũng yêu cầu thiết lập tiêu chuẩn phòng dịch mới với sự tham gia của người dân. Kế hoạch phân phối vaccine sơ bộ cũng đã được công bố. Hàn Quốc dự kiến sẽ được phân bổ ít nhất 2 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và 117.000 liều của hãng dược Pfizer (Mỹ). Hiện Hàn Quốc xác nhận trên 79.700 người nhiễm bệnh, bao gồm hơn 1.400 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 4/2, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 vào tháng 2/2022 với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm phòng. Theo Thủ tướng Malaysia, việc tiêm phòng sẽ được chia làm 3 giai đoạn bắt đầu từ tháng 2 này, 500.000 nhân viên làm việc ở tuyến đầu sẽ được tiêm chủng trước. Trước đó, Chính phủ Malaysia cho biết, lô vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới. Malaysia đã ký 2 thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer để mua 25 triệu liều vaccine, ngoài các thỏa thuận mua vaccine của Nga và Trung Quốc.
Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đã chính thức bãi bỏ các kỳ thi quốc gia, những kỳ thi tương đương và các kỳ thi cấp trường trong giai đoạn khẩn cấp do đại dịch Covid-19. Theo đó, học sinh không bắt buộc phải trải qua khi thi quốc gia và các kỳ thi tương đương để được xét tốt nghiệp hoặc chuyển lên cấp học cao hơn. Học sinh được công nhận tốt nghiệp một cấp học hoặc một khóa đào tạo sau khi hoàn tất chương trình học tập, đạt điểm hạnh kiểm tối thiểu và tham dự các kỳ thi cuối kỳ hoặc tay nghề do các cơ sở giáo dục tự tổ chức. Ngoài việc bãi bỏ các kỳ thi quốc gia, Chính phủ Indonesia cũng ban hành chính sách mới liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá trường chuẩn quốc gia.
Đến nay, Indonesia báo cáo trên 1,1 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 31.000 trường hợp không qua khỏi.