Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương phân tích, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan vụ tai nạn ở đường ngang có gác chắn tại xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, ngày 7-3 vừa qua.
Các đơn vị trên cũng được bộ này yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn diện quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu có liên quan. Qua đó, đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra những vụ tai nạn tương tự như trên và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Báo cáo kịp thời kết quả về Bộ GTVT.
"Cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu. Đặc biệt là đội ngũ trực ban chạy tàu, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung, có biện pháp xử lý kịp thời các tổ chức và cá nhân vi phạm (nếu có)…"- Bộ GTVT chỉ đạo.
Cục Đường sắt Việt Nam được giao chủ động phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn nói trên, và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường an toàn giao thông, an toàn chạy tàu.
"Ngoài ra, chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, và có các giải pháp cụ thể đối với từng vị trí mất an toàn giao thông"- Bộ GTVT yêu cầu.
Như PLO đã đưa tin, vào lúc 6 giờ 30 phút, ngày 7-3, tàu hàng mang số hiệu SH3 chạy hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh va chạm với xe ô tô loại 7 chỗ 76A-129.13. Trên xe có hai người lớn và một trẻ em. Vụ tai nạn làm trẻ nhỏ chết, hai người lớn bị thương nặng.
Theo ông Cao Minh Hỷ, Giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình (Quảng Ngãi), vị trí xảy ra tai nạn có gác chắn và nhân viên trực. Khi tàu chuẩn bị đi qua, nhân viên đã mở tín hiệu đường bộ màu đỏ, nhưng chưa kéo gác chắn xuống kịp.
"Trách nhiệm của người tham gia giao thông phải dừng trước đèn đỏ, tuy nhiên người lái xe không chú ý. Vụ việc xảy ra có lỗi của cả tài xế và nhân viên gác chắn…"- ông Hỷ nhận định.