Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, muốn người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu như EU, Nhật, Mỹ... Các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi sản xuất, từ sản xuất tới tiêu thụ, từ đó giá thành mới giảm và có sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ về mặt tài chính để thay đổi công nghệ và đi tiên phong trong việc phân phối và sản xuất hàng Việt.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tránh tình trạng hiện nay có không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài, sau đó về dán nhãn tại Việt Nam, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. “Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kỳ vọng như mong muốn”, ông Thân nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình kiến nghị " muốn cuộc vận động đạt được hiệu quả cao nhất, công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng từ người đứng đầu địa phương, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Bởi người tiêu dùng không chỉ tạo điều kiện để hàng hóa, doanh nghiệp Việt có chỗ tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Về phía DN, với vai trò là nhà bán lẻ, chúng tôi mong muốn được hưởng chính sách ưu đãi về thuê mặt bằng như các nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng. Chúng tôi cam kết sẽ giảm giá thuê mặt bằng, cung cấp hàng giá rẻ hơn cho người tiêu dùng, ủng hộ hàng hóa do DNNVV Việt Nam sản xuất để ủng hộ hàng hóa Việt, người tiêu dùng Việt Nam” - ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ.
Còn theo ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cần phải tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển,... Nhà nước phải có vai trò và chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; phải kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá và việc tuân thủ của doanh nghiệp; chống gian lận thương mại, giả xuất xứ.
Một số đại biểu và doanh nghiệp đưa ra ý kiến, đề xuất giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước để có thể xây dựng những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động.
Hình ảnh một số đại biểu và doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo:
TS. Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Phong trào, Cơ quan Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, để phát triển hạ tầng thương mại nhằm phát triển bền vững thương mại trong nước thì cần hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển các phương thức giao dịch thương mại hiện đại; thu hút đầu tư hoặc xã hội hoá để xây dựng một số chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối có tính chất phân luồng hàng hoá liên kết vùng trong cả nước; triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh tại các trung tâm logicstic, chợ đầu mối phục vụ việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong số các DN tại Việt Nam, 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất ra phần lớn hàng tiêu dùng Made in Vietnam. Nhưng đây cũng là thành phần kinh tế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn kinh doanh. Chính phủ đã có những chính sách thuế ưu đãi, quỹ hỗ trợ và quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp DN nhỏ và vừa vay vốn tại các ngân hàng, nhưng những hỗ trợ đó còn rất hạn chế.
Một trong những giải pháp vốn điển hình là hình thức cho vay ngang hàng P2P Lending, qua đó các công ty Fintech kết nối nhà đầu tư với DN vay vốn qua ứng dụng công nghệ thông tin. “Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty P2P Lending có hoạt động được xem là đáng tin cậy. Đây là hình thức tiếp cận vốn DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.