Tới ngày 4 - 5/11, vùng áp thấp có xu hướng hoạt động mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Khoảng ngày 6/11, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão, cơn bão số 6 năm 2019.
Sau đó, bão số 6 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và có khả năng đi vào các tỉnh Trung Bộ từ khoảng ngày 8 - 9/11. Khu vực đất liền từ đèo Hải Vân đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, đặc biệt các vùng từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quãng Ngãi cần lưu ý.
Từ ngày 4/11, khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển Trung Bộ gió đông Bắc mạnh lên cấp 6 - 7, giật cấp 8-9, sóng cao 2 - 3m. Biển động. Đến ngày 7/11 gió Đông Bắc trên vịnh Bắc Bộ mạnh lên cấp 6, giật cấp 8. Khu vực Bắc Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ sóng cao 2 - 4m. Biển động mạnh.
Bão số 6 xuất hiện sẽ gây thêm một đợt mưa rất lớn cho miền Trung. Thêm vào đó, bão xuất hiện vào thời điểm gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, đây là yếu tố làm mưa gió càng lớn hơn.
Hiện tại, mưa do bão số 5 vẫn chưa dứt, hệ thống sông ở các tỉnh miền Trung đang đầy nước. Nếu tiếp tục mưa sẽ có nguy cơ rất cao xảy ra lũ chồng lũ, ngập lụt, sạt lở nguy hiểm.
Trước đó, sáng sớm 31/10, bão số 5 (tên quốc tế là Matmo) đã đổ bộ đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên với sức gió cấp 8 - 9, giật cấp 11. Bão gây mưa to, gió giật nhiều nơi làm thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh Nam Trung Bộ.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 5 đã làm 1 người mất tích và ít nhất 14 người bị thương ở Quảng Ngãi; hơn 4.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, ngập nước; nhiều cây xanh bị gãy đổ, tàu thuyền hư hỏng và đặc biệt là sự cố mất điện xảy ra ở nhiều nơi thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…
Dự báo, từ nay đến cuối năm còn khoảng 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 1- 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.