Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk

(Dân sinh) - Ngày 19/6/2020, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị thí điểm triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình".

Mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 1.

GĐ công an tỉnh Đắk Lắk Đại tá Lê Văn Tuyến

Mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk được triển khai thí điểm tại hai huyện Cư M'gar và thành phố Buôn Ma Thuột từ tháng 3/2020 đến nay, thông qua mô hình này Công an tỉnh Đắk Lắk đã có 105 trang thông tin qua ứng dụng Zalo (Zalo Page), các trang Zalo, công an cơ sở đã tiếp nhận 349 thông tin về tình hình an ninh trật tự, tố giác tội phạm để kịp thời xử lý, đấu tranh, trấn áp tội phạm thông qua thông tin tố giác của người dân.

Mới đây nhất, khuya 17/6, từ tin nhắn của người dân gửi vào trang Zalo của đơn vị phòng Cảnh sát cơ động thông báo một nhóm thanh, thiếu niên và học sinh mang theo nhiều hung khí đang tụ tập tại khu đất trống gần trường mầm non Hello Kitty ở đường Hà Huy Tập (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), chuẩn bị đánh nhau. Lực lượng Công an nhanh chóng có mặt ở hiện trường triển khai lực lượng vây ráp, bắt giữ được 21 người, 7 xe máy và 4 cây dao rựa, mã tấu.

Mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 2.

Đại diện năm tập thể nhận khen thưởng

Huyện Cư M'gar và thành phố Buôn Ma Thuột là đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình này. Thông qua các trang Zalo, Công an huyện Cư Mgar đã tiếp nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, thông báo về tai nạn giao thông… của người dân, từ đó kịp thời điều tra, xử lý.

Thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) có 40% đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn có nhiều điểm khá phức tạp về an ninh trật tự. Đầu năm 2019, Công an thị trấn Ea Pốk đã lắp đặt camera an ninh trên nhiều tuyến đường thị trấn. Để phát huy hiệu quả tối đa của camera, Công an thị trấn Ea Pốk đã lập 11 nhóm Zalo để thuận tiện cho người dân cung cấp thông tin, phục vụ đảm bảo an ninh trật tự.

Trung tâm điều hành hệ thống camera được đặt tại trụ sở Công an thị trấn, có bộ phận túc trực 24/24 giờ và thông qua mạng không dây để truyền tải dữ liệu về. Những người phụ trách giám sát camera an ninh được cài phần mềm theo dõi hình ảnh trên điện thoại thông minh để kịp thời thông báo xử lý khi có sự vụ xảy ra.

Mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 3.

Các cán bộ được tặng bằng khen

Hội nghị cũng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai Mô hình. Theo Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư M'gar, quá trình triển khai thí điểm mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình", với khả năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, chính xác của nhân dân thông qua Zalo, đã đem lại hiệu quả thiết thực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, để triển khai mô hình này có hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Thượng tá Trần Bình Hưng kiến nghị lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk cần tổ chức tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho công an cấp xã để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, bố trí thêm máy vi tính và đường truyền Internet tại Công an xã để phục vụ cho mô hình hoạt động hiệu quả hơn, tổ chức hướng dẫn cho đội ngũ công an cấp huyện, xã cách biên tập tin, bài đăng trên các trang Zalo để thu hút sự quan tâm của người dân, từ đó tăng cường tương tác giữa nhân dân và lực lượng Công an, khi tổ chức thực hiện đồng bộ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình", lực lượng Công an các cấp cần theo dõi, đôn đốc hàng tuần, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt nhiệm vụ và nhắc nhở các đơn vị làm chưa tốt.

Trưởng Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn cho rằng: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng mô hình, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình", tạo sự lan tỏa rộng rãi mô hình đến quần chúng nhân dân, đổi mới phương pháp đăng tin, bài trên Zalo bằng các loại hình như thông tin bằng hình ảnh, video để thu hút người dân quan tâm, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin về tội phạm, truyền tải các thông tin tuyên truyền đến người dân, mô hình cần tăng cường giải đáp các thắc mắc, phản ánh kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính, thông qua tin báo Zalo của người dân cần giải quyết tố giác, tin báo tội phạm một cách nhanh chóng.

Mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 4.

Tặng máy tính bảng

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Việc triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nhận được sự quan tâm, tin tưởng của nhân dân. Sự tương tác, kết nối giữa lực lượng Công an và quần chúng nhân dân được tăng cường, nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao trong xử lý tin báo tội phạm. Bên cạnh đó, mô hình này cũng đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giải đáp, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân.

Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị các đơn vị Công an các cấp, trong thời gian tới, phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế hoạt động, vận hành của các trang Zalo đã được Công an tỉnh quy định trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình". Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công an tỉnh Đắk Lắk trong năm 2020 để chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình đem lại hiệu quả thiết thực. Các phòng chức năng của lực lượng Công an cần nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng viết tin, bài cho lực lượng Công an các cấp để đáp ứng với nhu cầu công việc khi triển khai mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình" trong toàn tỉnh.

Công an tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức khen thưởng 5 tập thể và 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng với mô hình "Kết nối mạng xã hội – Bình yên cho mỗi gia đình".

Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...