Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nắng nóng kéo dài: Bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, viêm phổi tăng cao

Nắng nóng gay gắt hơn 1 tuần qua và dự kiến đợt nắng nóng này sẽ kéo dài 14 ngày, với nền nhiệt độ trên dưới 40 độ C đã khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn, nhất là người già và trẻ nhỏ. Người già bị đột quỵ, viêm phổi phải cấp cứu tăng cao, trong đó có nhiều ca phải thở máy.

Cả tuần qua, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội luôn vượt ngưỡng của nắng nóng đỉnh điểm khiến nhiều người đang đi ngoài đường vào điều hòa đã bị sốc nhiệt, đột quỵ. Sáng 10/6, có mặt tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chúng tôi chứng kiến rất đông bệnh nhân tới khám, cấp cứu.

Cụ Nguyễn Thị Bắc, 80 tuổi, ở đường Trường Chinh, Hà Nội được người giúp việc đưa vào viện trong tình trạng mệt mỏi, đi không vững.

Nắng nóng kéo dài: Bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, viêm phổi tăng cao - Ảnh 1.

Những bệnh nhân nặng bị đột quỵ, viêm phổi do nắng nóng tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh chụp trưa 10/6).

Những trường hợp tai biến nhẹ trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm như của cụ Bắc gặp rất nhiều. Ths.BSCKII Đỗ Mai Huyền, Khoa Khám bệnh: Trung bình một ngày có hơn 400 bệnh nhân tới khám, tăng 50% so với trước, nhiều bệnh nhân bị viêm mũi họng, viêm xoang, có bệnh nhân nằm điều hoà lạnh khi tới viện khám đã bị mồm méo, liệt nửa mặt.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện cấp cứu, phải thở máy lại không phải ít. Ngày 9/6, cụ ông 71 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Nói về ca bệnh này, TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu – Đột quỵ cho biết: Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao. Ngày hôm qua (9/6) bệnh nhân đi ra ngoài trời nắng nóng, khi về tới nhà lịm dần đi. Lúc vào tới viện đã hôn mê, qua thăm khám và chụp chiếu, bệnh nhân bị xuất huyết não, tiên lượng rất nặng, phải mổ. Bệnh nhân đã chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, BS Trần Quang Thắng cho biết thêm, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, số lượng bệnh nhân vào Khoa tăng gần 150%, trung bình một ngày có 30 bệnh nhân vào cấp cứu, trong đó lượng bệnh nhân nặng đến viện cao hơn, đặc biệt là các ca bệnh tai biến mạch máu não, viêm phổi phải thở máy.

Tương tự, tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị, 1 tuần vừa qua đã tiếp nhận gần 40 bệnh nhân nhập viện điều trị với các bệnh lý liên quan đến nắng nóng như tiền đình, đột quỵ não, viêm phổi, chóng mặt, đau đầu. Trong đó có 2 bệnh nhân đang phải thở máy, 1 người tiên lượng nặng. Không chỉ người già mà trẻ nhỏ bị viêm họng, viêm phổi và say nắng cũng khá nhiều. Mọi năm, giờ này học sinh đã nghỉ hè, nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên theo lịch học các con nghỉ hè từ giữa tháng 7.

Học sinh cấp 2 và cấp 3 ca học buổi chiều, đi học vào đúng giờ cao điểm nắng nhất trong ngày, nên trong những ngày qua đã có nhiều em bị sốt, viêm họng, viêm phổi, thậm chí còn say nắng. Do các em đi ngoài trời nắng lúc nhiệt độ lên đến đỉnh điểm, khi tới lớp vào phòng điều hòa, có lớp 1/3 học sinh bị ốm phải nghỉ học.

Theo Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhi tới khám tăng hơn 30% so với tháng trước.

Những khuyến cáo hữu ích cho người bệnh

Theo BS Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, nhiều ca đột quỵ đến viện muộn, tiên lượng bệnh rất nặng, thậm chí có nguy cơ tử vong do người nhà mải tự điều trị mà làm mất “giờ vàng” cứu sống người bệnh. Đột quỵ nhồi máu não chiếm tỷ lệ khoảng 80-85% và người bệnh được đưa tới viện vào “giờ vàng” (3 - 4,5 tiếng đầu sau khi đột quỵ) là rất quan trọng. Đối với đột quỵ xuất huyết não (tỷ lệ 20%), tuy không nói nhiều đến giờ vàng, nhưng càng đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt, tính mạng bệnh nhân càng an toàn.

BS Thắng cũng chỉ ra một số ca bệnh khi bị đột quỵ nhồi máu não, gia đình cho uống viên An Cung, khi vào viện đã chảy máu ở rất nhiều nơi, xuất huyết dưới da, BS không đặt được ống nội khí quản. Hoặc gặp nhiều ca bệnh sau khi uống An Cung đã bị tiêu chảy, dị ứng, người bệnh mải tự điều trị mà quên mất “giờ vàng”.

Lời khuyên của bác sĩ là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, từ 10-15h, người từ 60 tuổi trở lên không nên ra ngoài nếu đi xe máy. Đối với 75 tuổi trở lên thì không nên đi ra ngoài các giờ trong ngày, kể cả ngồi sau xe máy. Các cụ già có thói quen tập thể dục buổi sáng, vào những ngày nắng nóng như hiện nay, hơn 6h sáng đã có bức xạ, nếu nền nhiệt từ 39-40 độ, buổi sáng không nên ra ngoài tập thể dục, mà người cao tuổi có thể tập nhẹ nhàng trong nhà.

Tin liên quan