Lực lượng nòng cốt ban đầu tuyển chọn từ những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu nghệ thuật kết hợp với một số văn nghệ sĩ được tăng cường từ miền Bắc vào.
Nhiệm vụ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam khi ấy vừa cầm súng chiến đấu như một người lính trận, vừa sáng tác và biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một thời để nhớ
Chiến khu Dương Minh Châu hay còn gọi là căn cứ Tà Vọng (sau năm 1949 đổi thành tên Dương Minh Châu của vị Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh), nay thuộc ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, là khu căn cứ cách mạng có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng gắn với hai cuộc kháng chiến (Pháp và Mỹ) thần thánh của dân tộc.
Trong chống Pháp, Xứ ủy Nam bộ, Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phân khu miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định Ninh lấy đây làm căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, chiến khu Dương Minh Châu là nơi tập kết, huấn luyện và ra đời các đơn vị quân chủ lực của miền Đông Nam bộ.
Chính vì địa thế, vị trí quan trọng của chiến khu nên địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt và bình định căn cứ cách mạng, lực lượng vũ trang cùng nhiều cơ quan quân, dân chính, Đảng, trong đó có Đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam.
Để đảm bảo bí mật, tránh bị địch phát hiện, Đoàn phải đào hầm (địa đạo) sinh hoạt, luyện tập chủ yếu dưới lòng đất. Trong những tháng mùa khô, việc sinh hoạt, luyện tập dưới lòng đất đỡ vất vả gian khổ hơn.
Suốt 6 tháng mùa mưa, nhiều hôm nước ngập chân nhưng các ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, diễn viên múa, kịch vẫn hăng say luyện tập để đảm bảo chất lượng các tiết mục phục vụ bộ đội và nhân dân.

Khi cuộc chiến ngày càng ác liệt, tất cả cán bộ, diễn viên của Đoàn như những người lính trận thực sự (nghệ sĩ - chiến sĩ), luôn kiên cường bám trụ, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
Bám sát hiện thực chiến trường, các nghệ sĩ - chiến sĩ đã miệt mài lao động nghệ thuật xây dựng nhiều chương trình mang thơi thở nóng hổi của cuộc sống, chiến đấu của quân, dân ta. Họ đã nhiều lần ra tận chiến hào phục vụ bộ đội với khẩu hiệu “Bộ đội còn xem thì văn công còn diễn” hay “Thà chết sau hậu trường chứ không thể bỏ tiết mục”.
Chính lời ca tiếng đàn của Đoàn đã kịp thời động viên khích lệ tinh thần chiến đấu, cổ vũ các chiến sĩ ngoài mặt trận xông pha và giành chiến thắng.
Những năm tháng ấy, nhiều tên tuổi nhạc sĩ, biên kịch, ca sĩ, diễn viên đã gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đoàn như: Nhạc sĩ Xuân Hồng, Vũ Thành, biên đạo múa Kim Diệu, Xuân Hanh…
Nói về công lao của nhạc sĩ Xuân Hồng với Đoàn trong những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, nhiều thế hệ ca sĩ đánh giá rất cao về tài năng âm nhạc trời phú của ông.
Xuân Hồng sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân có truyền thống yêu thích nhạc tài tử ở Châu Thành (Tây Ninh) nên có cơ hội làm quen với âm nhạc từ nhỏ. Năm 1949, khi 21 tuổi, ông bắt đầu sáng tác ca khúc.
Nhưng phải đến khi trở thành người xây dựng, dẫn dắt Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (1962), ông mới thực sự thăng hoa trong sáng tác.
Từ hiện thực chiến tranh và nhu cầu xây dựng tiết mục biểu diễn của Đoàn, ông đã liên tiếp cho ra đời những ca khúc gây được tiếng vang như: “Xuân chiến khu” (1963), “Chiếc khăn tay” (1964), “Hành quân đêm” (1965) và ghi được dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng quân, dân thời ấy chính là ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (1965).
Những ca khúc của ông trở thành những tiết mục đinh trong các chương trình biểu diễn của Đoàn thời ấy. “Xuân chiến khu”, đặc biệt là “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của ông là lời động viên kịp thời tới các chiến sĩ, tiếp thêm nguồn sức mạnh để các anh vững bước hành quân và xông pha nơi chiến trận.

Vang mãi khúc ca hùng tráng
Không chỉ hát hay, đàn giỏi và làm công tác dân vận tốt, tất cả cán bộ, nhạc sĩ, ca sĩ, biên đạo, diễn viên múa của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam còn trực tiếp tham gia chiến đấu như những chiến sĩ thực thụ.
Điển hình là cuộc chiến chống càn trong chiến dịch Junction City kéo dài 82 ngày, từ 22/2 đến 15/4/1967 của quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam cộng hòa tấn công vào địa bàn Đông Nam bộ nói chung, chiến khu Dương Minh Châu nói riêng.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, các cơ quan quân, dân chính, Đảng được tổ chức thành những đơn vị du kích, tự vệ, bộ đội địa phương mở ra thế trận liên hoàn rộng khắp.
Trong trận chống càn lịch sử ấy, bằng 2 trái mìn và súng bộ binh, tổ vũ trang của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam kiên cường, bám trụ chiến đấu diệt gọn 1 xe tăng M41 và bắn rơi 1 trực thăng HU1A của Mỹ.
Sau thắng trận, nghệ sĩ Nguyễn Dân được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Đằng nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” và nghệ sĩ Trương Văn Nghề nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay”.
Nhưng cũng chính trong trận chống càn khốc liệt này, các diễn viên tài năng tuổi đời còn rất trẻ của Đoàn như: Kim Yến, Ngọc Ánh, nhạc công Thạch Rương, Phạm Lập… đã mãi mãi nằm lại chiến khu. Họ thực sự là những tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những nghệ sĩ - chiến sĩ.
Đầu tháng 1/1975, bộ đội ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Đây là nguồn cảm hứng bất tận giúp Đoàn xây dựng được nhiều chương trình chất lượng, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Nghệ sĩ trong Đoàn chia thành những nhóm nhỏ tỏa về các vùng ven Sài Gòn để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Ất Mão (1975).
Từ giữa tháng 4/1975, các diễn viên của Đoàn vui mừng, háo hức khi hàng ngày, hàng giờ tin tức chiến thắng từ các mặt trận dồn dập được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, mọi thành viên của Đoàn không kìm nổi niềm vui vỡ òa, ôm nhau reo vang cả hội trường Cục Hậu cần Miền.
Không khí mừng vui đến trào nước mắt ấy đã góp phần tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Xuân Hồng hoàn thành ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 1/ 5/1975, Đoàn nhận được chỉ thị gấp rút về Sài Gòn biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân vùng mới giải phóng, góp phần giới thiệu nền văn nghệ cách mạng, đấu tranh xóa bỏ những tàn dư văn hóa cũ.
Đến cuối tháng 12/1975, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định tách bộ phận cổ nhạc, cải lương, ca kịch của Đoàn về Đoàn Văn công Quân khu 9.
Những bộ phận khác như ca, múa, nhạc được bổ sung thêm lực lượng từ văn công các sư đoàn chủ lực thành lập nên Đoàn Văn công Quân khu 7 như hiện nay (nhạc sĩ Vũ Thành là Trưởng đoàn).
Tiếp nối và phát huy truyền thống của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam trong thời bình, gần 50 năm qua, Đoàn Văn công Quân khu 7 đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị. Hàng năm, Đoàn thực hiện trên 100 buổi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân trên địa bàn Quân khu và vùng biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra Đoàn còn biểu diễn phục vụ các buổi lễ, hội nghị, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Quân khu 7; giao lưu nghệ thuật với các đơn vị quân đội và nhân dân các nước láng giềng.
Những thành quả là động lực thôi thúc cho thế hệ trẻ của Đoàn Văn công Quân khu 7 tiếp tục phấn đấu để trở thành những nghệ sĩ - chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, tự hào là thế hệ kế tiếp của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam - đội quân nghệ thuật sắc bén, tinh nhuệ, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã phong tặng.
Lương Định
Báo Lao động Xã hội
Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5