“Bộ đội Cụ Hồ” - tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân dành tặng, tôn vinh quân đội ta. Đó là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất ưu tú của người quân nhân cách mạng, giá trị văn hóa - đạo đức của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được xây đắp nên từ sự phấn đấu, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ; được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, giáo dục, rèn luyện; được nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, nuôi dưỡng.
Những phẩm chất quý giá đó càng được tô thắm thêm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, thực tiễn xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của quân đội, được các thế hệ lưu truyền, kế tục và phát huy.
Đó là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, là niềm vinh dự, tự hào và động lực mạnh mẽ, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quân đội không ngừng phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu cao quý, với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đội quân gắn bó máu thịt với nhân dân
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quân đội ta luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân chở che, đùm bọc, kề vai, sát cánh cả trong đấu tranh cách mạng cũng như thời bình.
Thể hiện cụ thể và sâu đậm ở tình cảm yêu mến, sự kính trọng, gắn bó với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ quân đội; tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Ngày nay, phẩm chất, nhân cách đó càng được khẳng định trong thực tiễn thông qua công tác dân vận của quân đội và được thể hiện rõ bằng những việc làm cụ thể của cán bộ, chiến sĩ trong giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc.
Tình cảm quân dân là “tình cá với nước”, ở mức độ cao hơn “quân với dân một ý chí”. Quân với dân chung một ý chí quyết không làm nô lệ. Chung một ý chí quyết tâm chiến đấu chống đế quốc xâm lược dù phải hy sinh, gian khổ đến đâu.
Chung một ý chí vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Quân đội không chỉ yêu mến nhân dân mà nguyện phục vụ nhân dân vô điều kiện, khi cần không ngại hy sinh xương máu để bảo vệ nhân dân, với tinh thần “cứu dân là mệnh lệnh trái tim”.
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội lăn lộn trong gian khó, sáng tạo trong tổ chức giải cứu 12 công nhân bị sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng); 11 cán bộ, chiến sĩ quân đội đã anh dũng hy sinh khi trên đường hành quân đi cứu hộ, cứu nạn các công nhân tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế)…
Đặc biệt, trong các đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã nêu cao tinh thần dấn thân, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận gian khổ, khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Mới đây bão Yagi đi qua 26 tỉnh phía Bắc, quân đội đã cùng nhân dân vượt qua bão lũ, xông pha nơi lũ quét, núi sạt, đất lở, ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, làng Nủ (Lào Cai)… tìm kiến từng nạn nhân, cung cấp thức ăn nước uống cho từng người, từng nhà với phương châm “tìm đến nhân dân để biết nhân dân cần gì, không để nhân dân phải tìm đến bộ đội”.
Đó là minh chứng sống thể hiện “mối quan hệ máu thịt”, tình quân dân như “cá với nước” của cán bộ, chiến sĩ quân đội với nhân dân. Từ những tình cảm như vậy, nhân dân trao danh hiệu tôn vinh Bộ đội Việt Nam là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tinh thần đoàn kết, thương yêu chiến sĩ, đồng đội, ý thức kỷ luật cao
Bác Hồ từng dạy, đối với quân đội cách mạng, “đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”. Người thường nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.
Cùng với tinh thần đoàn kết, yêu thương chiến sĩ, đồng đội là điều không thể thiếu ở người quân nhân cách mạng, đặc biệt là với cán bộ chỉ huy. Bác Hồ cho rằng, người cán bộ quân đội ngoài việc gương mẫu nơi trận mạc, chững chạc trước hàng quân còn phải có lòng thương yêu binh sĩ, nắng không che quạt, mưa không che dù, đồng cam cộng khổ với binh sĩ.
Làm được như vậy, khi đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng, khi bảo đánh họ sẽ hăng hái đánh. Bởi “cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu, như óc”.
Do đó, “từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.
Bác Hồ luôn theo sát, thấu hiểu và có những chỉ dạy với từng đối tượng cán bộ: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”. Đồng thời, Người chỉ rõ, người cán bộ quân đội cần tránh thói tự tư, tự lợi, xa hoa, lãng phí, bè phái, dùng kẻ xiểm nịnh, ghét người hiền tài…
Bên cạnh việc giáo dục tinh thần đoàn kết, thương yêu chiến sĩ, Bác Hồ chú trọng giáo dục ý thức kỷ luật. Bởi lẽ, “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”; “kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”.
Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực…
Phải thưởng phạt công minh. Ý thức kỷ luật của người quân nhân cách mạng phải được thể hiện ở sự tự giác chấp hành, tuân thủ mọi điều lệnh quân đội, pháp luật nhà nước, trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào cũng phải giữ nghiêm kỷ luật quân sự.
Quán triệt tinh thần trên, trong mọi điều kiện lịch sử của cách mạng, mỗi người quân nhân cách mạng phải luôn chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, xây dựng tập thể vững mạnh, toàn diện.
Thực hành đạo đức Hồ Chí Minh để được dân tin yêu
Đạo đức người quân nhân cách mạng được biểu hiện cụ thể trong đời sống hiện thực, trong thực tiễn chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất, huấn luyện, học tập, rèn luyện của mọi cán bộ, chiến sĩ; ở sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội; ở sự tin cậy, mến yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ là tấm gương về chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, đầy bản lĩnh, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc;
Giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, gắn bó với vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi; tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ… với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Qua đó, chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng đã vượt khỏi những giới hạn về thời gian và không gian, lan tỏa đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù... là những động lực chủ yếu làm nên sức mạnh “kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân đội ta.
Qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, những giá trị cốt lõi trong chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng đã được phát huy, lan tỏa, trở thành động lực tinh thần trực tiếp góp phần làm nên sức mạnh thần kỳ của quân đội ta. Những giá trị cao đẹp trong chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta và mỗi người dân Việt Nam.
Hình ảnh người chiến sĩ trong quân đội mang phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh, hành động theo lý tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, sống và hoạt động theo chuẩn mực văn hóa Hồ Chí Minh, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân hy sinh, với tinh thần tận tụy vì nhân dân in đậm trong lòng nhân dân.
Đó là lý do để nhân dân trao danh hiệu và tôn vinh Bộ đội Việt Nam là “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” như một danh xưng, một định danh lực lượng vũ trang mang phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngày nay danh hiệu đó như một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, rực rỡ tỏa sáng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Đây cũng chính là giá trị cốt lõi để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trần Công Huyền
Báo Lao động và Xã hội số 152