Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Có một thời như thế

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những ký ức về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết.

Những câu chuyện về lý tưởng cách mạng, tinh thần vượt khó phụng sự Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh và thời bình đã được chia sẻ trong tọa đàm “Có một thời như thế” vừa diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đó là câu chuyện xúc động của bà Hoàng Thị Kim Vinh người phụ nữ có con nhỏ vẫn xung phong đi chiến trường đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Có một thời như thế - 1
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: QĐND). 

Năm 1965, 26 tuổi, gửi con thơ cho gia đình, bà Hoàng Thị Kim Vinh ở phố Hàng Chiếu (nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) làm đơn tình nguyện gia nhập vào Đại đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ GTVT. 

Bức ảnh chụp bà - nữ thanh niên xung phong nở nụ cười rạng rỡ bên cậu con trai nhỏ được trưng bày như biểu tượng của lòng yêu nước và sự hy sinh.

Bà Kim Vinh đã viết những dòng nhật ký gửi con trai, thể hiện sự quyết tâm đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước: “Con ạ! Lúc nộp đơn, mẹ suy nghĩ rất nhiều, nộp đơn để mà đi hay nộp đơn vì hình thức. Một số người xung quanh mẹ cho rằng, mẹ chỉ nộp đơn cho có vẻ ta đây tiến bộ chứ có con mọn thì đi làm sao được...

Còn mẹ nghĩ khác, mẹ muốn được cống hiến khi còn trẻ...”. Khi đó, bà nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch (SN 1943, tại Hưng Yên) lại mang đến cho khán giả câu chuyện vượt Trường Sơn của mình và đồng đội.

Tháng 5/1971, ông Nguyễn Tiến Lịch lên đường vào Nam chiến đấu, giữ chức Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 - Đoàn Dũng sĩ Cát Bi. Năm 1971, sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị ông tới cao nguyên Bolaven trên đất bạn Lào. 

Một hôm, đến đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đá trơn trượt thì giao liên thông báo có bom hẹn giờ. Một số đồng chí cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát. “Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử. 

Trước không khí căng thẳng tới nghẹt thở, tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài “Vì nhân dân quên mình” để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Sau đó, đơn vị nhanh chóng vượt qua bãi bom hiểm nguy", ông Lịch kể.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê hồi tưởng, năm 1971, khi 14 tuổi, bà đã vào Trường Thiếu sinh quân ở Xuân Mai (Hà Nội) và chỉ mong thời gian trôi mau đến ngày đủ tuổi vào chiến trường, được đóng góp công sức cho sự thống nhất đất nước.

Ngày ấy, bà được phân công công tác làm lính báo vụ của đơn vị phòng không, không quân. Sau khi rời quân ngũ, bà đi theo con đường kinh doanh, trở thành doanh nhân. Bà luôn biết ơn những năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện nên ngày hôm nay.

Thông qua những chia sẻ đầy xúc động về câu chuyện chiến tranh của những người cựu chiến binh, công chúng không chỉ hình dung rõ nét về bức tranh kháng chiến mà còn khơi gợi lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ với thế hệ cha ông...            

Vũ Hằng

Báo Lao động và Xã hội số 156