Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

“Mưa đỏ”: Tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những thước phim sinh động, chân thực nơi chiến trường 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tái hiện trong phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”. Đây là dự án có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân 10 năm trở lại đây, dự kiến ra mắt năm 2025.

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết, kịch bản phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai. Cách đây gần chục năm, nhà văn Chu Lai gửi kịch bản phim truyện “Mưa đỏ” đến Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Đây là kịch bản hay và xúc động song đòi hỏi kinh phí lớn mới đáp ứng được quy mô và nội dung. Sau gần 10 năm ấp ủ, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chuyển thể từ kịch bản “Mưa đỏ” mang đậm chất văn học sang kịch bản với những yếu tố kỹ thuật điện ảnh. Tháng 3 vừa qua, dự án sản xuất phim truyện “Mưa đỏ” đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thực hiện.  

ĐTH.png
 Đạo diễn Đặng Thái Huyền bên Sa bàn bối cảnh Thành cổ Quảng Trị phim “Mưa đỏ”.

Bộ phim có thời lượng từ 110 đến 120 phút phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Cuộc đấu trí của Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh, ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Bộ phim lấp lánh những nét đẹp của tình đồng đội, đồng chí, tình cảm thiêng liêng về gia đình, sự lãng mạn trong tình yêu đôi lứa. Đặc biệt, đây là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được đơn vị đầu tư xây dựng, phục dựng bối cảnh trên phim trường với diện tích gần 50ha. 

Quá trình làm phim huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cảnh quay với số lượng nhân sự lên tới hàng nghìn người.

Việc tái hiện bối cảnh lịch sử và không khí hào hùng của thời đại trong khuôn khổ bộ phim hơn 100 phút đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao. Hình tượng nhân vật, kết cấu kịch bản, phục trang, đạo cụ cho đến từng chi tiết trong phim đều phải được thiết kế thật tỉ mỉ, sắc nét và chặt chẽ, đúng với lịch sử. 

Đặc biệt, “Mưa đỏ” có nhiều cảnh chiến tranh, đòi hỏi sự hiệp đồng tốt giữa các bộ phận. Bối cảnh phần lớn được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị. Một số điểm quay khác được bố trí ở Thừa Thiên - Huế, Hà Nội và Paris (Pháp).

Đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền cho biết, các buổi tuyển chọn diễn vên cho “Mưa đỏ” đã thu hút rất đông diễn viên, chủ trương của Điện ảnh Quân đội nhân dân không chỉ tìm kiếm những gương mặt ngôi sao mà thông qua đó mong muốn tái hiện được trọn vẹn hình ảnh người lính, người chiến sĩ đã hy sinh gian khổ, tuổi trẻ, thanh xuân của mình để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

 “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai lấy bối cảnh chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 ở cả hai chiến tuyến (ta và địch). Tác giả đã mượn phông nền của một sự kiện lịch sử điển hình nhưng cũng khá “nhạy cảm” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. 

Bằng ngòi bút đậm chất văn miêu tả, không ôm đồm đi vào “bề rộng” của không gian cuộc chiến mà đi vào chiều sâu của những chi tiết, nhân vật, lột tả tính chất khốc liệt và bi tráng, tác giả “nhập hồn” vào từng nhân vật để giúp bạn đọc thấy được tâm trạng giằng xé trong từng cảnh huống: Cả sự dũng cảm và đớn hèn, cái thiện và cái ác… sự bùng nổ những trạng thái tích cực và tiêu cực… của những con người từng giây, từng phút đối mặt với sự hy sinh, chết chóc.

Đan cài trong những trang miêu tả cuộc chiến đọc đến gai người là những khoảng bình yên, lãng mạn đầy chất thơ của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn, của sự hào hoa, phóng túng rất đời… 

Khép lại tiểu thuyết là cảnh hai bà mẹ của hai nhân vật chính ở hai chiến tuyến cùng trở lại Thành cổ viếng mộ con, họ tình cờ gặp nhau, cùng thắp nén hương lên hai ngôi mộ.

Hình ảnh đã để lại nhiều day dứt trong lòng người đọc nhưng lại sáng lên một niềm tin rằng, xóa bỏ những hận thù, khép lại quá khứ bi thương đã qua để cả dân tộc cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình…

Vũ Hà

Báo Lao động và Xã hội số 82

Tin liên quan
Người anh hùng trong lòng tôi

Người anh hùng trong lòng tôi

Khi viết những dòng hồi tưởng này, tôi đang là một Đảng viên dự bị, con gái của cựu chiến binh Đ.N.D vừa mất (năm 2023), người đã thắp lên ngọn lửa...