Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Nghĩa tình tháng 7

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Hàng năm cứ vào dịp tháng 7, trên khắp mọi miền đất nước lại diễn ra các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa những người con đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Hình ảnh từng đoàn người đến dâng hương tại các nghĩa liệt sĩ, những ngọn nến lung linh tỏa sáng trên các ngôi mộ liệt sĩ, những ngôi làng tất bật chuẩn bị cho một ngày giỗ chung lắng đọng trong tâm trí mỗi người con đất Việt.

Cả làng làm giỗ liệt sĩ

Nằm trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng tỉnh Quảng Nam, làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ có 262 hộ dân; trong đó, 59 mẹ Việt Nam anh hùng, 203 liệt sĩ.

Trong chiến tranh, từ năm 1965 đến 1967, người dân nơi đây dùng dụng cụ thô sơ đào địa đạo Kỳ Anh dài 32km trên vùng cát nhằm nuôi giấu cán bộ. Tháng 5/1997, địa đạo được công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

IMG_2691.JPG
Báo Dân trí thực hiện chương trình khám, tư vấn sức khoẻ và phát thuốc miễn phí cho NCC và thân nhân NCC dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Đã nhiều năm nay, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), cả làng Thạch Tân lại cùng nhau tổ chức cúng giỗ để tưởng nhớ cha, mẹ, anh chị em, những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

 Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân cho biết, gia đình ông có bà nội và mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha, anh trai, chị gái là liệt sĩ. Làng có nhiều liệt sĩ hy sinh không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, chưa đem về được nên đa phần chọn ngày 27/7 để cúng giỗ tưởng nhớ.

“Đây là truyền thống được người dân thực hiện hàng chục năm nay. Với họ, ngoài tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc còn là dịp nhắc nhở con cháu về truyền thống hào hùng của ông cha”, ông Ta chia sẻ.

Làng Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) cũng có chung ngày giỗ liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng vào Ngày 27/7 (lễ giỗ hiệp kỵ). Ông Lê Quang Pháp, Trưởng ban đại diện Hội thân nhân liệt sĩ (HTNLS) làng Đồng Di cho biết, làng có 120 hộ dân; trong đó 20 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng;

78 liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến và một liệt sĩ thời bình. Điều đáng tự hào của người dân làng Đồng Di là mỗi năm vào Ngày 27/7 đều tổ chức giỗ chung cho các liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đây cũng là ngày anh em, bạn bè, con cháu HTNLS thắp nén nhang tri ân liệt sĩ và ăn bữa cơm đoàn kết, ấm cúng.

Ông Pháp kể, trước đây bà con chỉ làm giỗ trong mỗi gia đình. Năm 2003, khi mới thành lập HTNLS với tên gọi Hội con liệt sĩ làng Đông Di chỉ có 12 thành viên là con em liệt sĩ trong làng tham gia.

Nhưng cũng kể từ năm đó, cứ đến Ngày 27/7, mỗi gia đình thay phiên đăng cai địa điểm tổ chức lễ giỗ hiệp kỵ.       

Vào ngày giỗ, anh chị em trong hội cùng nhau góp lễ vật, người nải chuối, con gà, buồng cau, người vài ba kg gạo nếp, mâm ngũ quả cùng đem tới lễ giỗ, gia đình nào khấm khá thì dựng rạp làm mâm cơm dâng cúng chung.

Việc tổ chức ngày giỗ chung cũng là dịp anh em, con cháu gia đình thân nhân liệt sĩ cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông.

Tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) cũng có một lễ giỗ chung được duy trì hàng chục năm qua mỗi khi tháng 7 về. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, thôn Cổ Điển kêu gọi xã hội hóa xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ. Và nơi đây trở thành địa điểm tổ chức ngày giỗ liệt sĩ (27/7) chung của thôn.

Vào sáng sớm ngày 27/7, mỗi người, mỗi nhà trong thôn tùy điều kiện kinh tế gia đình đóng góp tiền của, công sức hoặc hoa quả, xôi, bánh... đến Nhà bia dâng cúng anh hùng liệt sĩ với lòng tôn kính. Các gia đình đều rất nhiệt tình tham gia tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cổ Điển cho biết, thôn có 69 liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp, có những liệt sĩ hy sinh nhưng không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, thời gian quá xa khiến việc đưa hài cốt về còn nhiều khó khăn. Thế nên ngoài Ngày 27/7, thôn Cổ Điển còn có một ngày giỗ trận tổ chức vào 15/8 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ liệt sĩ.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng tri ân

z5647927874125_85dfc0f9eebe0d7a3832ec87f43df69b.jpg
Cán bộ, phóng viên báo Dân trí thắp hương tri ân các anh hùng Liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã quyết định tặng quà cho 1.371.586 người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân NCC, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.

Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, dịp này, các địa phương cũng đã dành kinh phí tặng quà NCC. Cụ thể: TP Hải Phòng tặng quà NCC trị giá hơn 5,4 triệu đồng/suất; TP Hà Nội tặng quà NCC với 2 mức 2.000.000 đồng và 1.000.000 đồng, với tổng số 120.551 suất, kinh phí hơn 190 tỷ đồng...

Thực hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua vào dịp 27/7, báo Dân trí đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tặng quà, khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người có công.

Năm nay, ngay từ đầu tháng 7, báo Dân trí đã triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tri ân thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng như: Tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà các bác, các chú là NCC với cách mạng tại các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang….

77 năm qua, công tác chăm sóc NCC với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước. 

Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC; trong đó, trên 1,1 triệu NCC được hưởng trợ cấp cấp thường xuyên.

Đầu tháng 7 năm nay cùng với việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, theo đó, tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tương đương tỷ lệ tăng 35,7%, từ ngày 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Cùng với việc nâng mức trợ cấp ưu đãi đối với NCC, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng phát triển.  

Đến nay, 99% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. 

Những ngày này, hàng triệu tấm lòng người Việt hướng về những địa danh lịch sử, những nghĩa trang trên cả nước từ Bắc vào Nam như Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Tây Ninh, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương - Côn Đảo...

Những nén hương thơm, những đoá sen hồng, những ngọn nến lung linh  thay lời tri ân sâu sắc nhất gửi tới những người con bất tử đã quên mình vì Tổ quốc...

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ