Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết, để tri ân, tôn vinh cũng như chia sẻ với sự mất mát và nỗi đau của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
"Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến hết năm 2024 có 100% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Thân nhân liệt sĩ và người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công trên địa bàn toàn tỉnh…”, ông Phương nhấn mạnh.
Suốt chặng đường vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hiệu quả cuộc vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", ''Uống nước nhớ nguồn'', "Toàn dân chăm sóc các gia đình chính sách"...
Theo ông Phương, ngoài thực hiện các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Ninh Bình còn chăm lo cho người có công bằng các chính sách cụ thể như: Chăm sóc sức khỏe; ưu tiên giao đất sản xuất; hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm...
Thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đón thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm...
Đặc biệt, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 2017. Đến năm 2023, đã tiếp nhận được hơn 74 tỷ đồng ủng hộ.
Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 935 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sản xuất, khám chữa bệnh, học sinh nghèo vượt khó, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ các tỉnh kết nghĩa với Ninh Bình khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.
Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho trên 2.000 hộ người có công với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng (trong đó trích từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của tỉnh là trên 15 tỷ đồng) theo tinh thần Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, Ninh Bình đã xây dựng mới và sửa chữa gần 300 nhà tình nghĩa, kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Từ ngày 1/7 đến 16/8/2024, Ban quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" tỉnh Ninh Bình năm 2024 đã tiếp nhận sự ủng hộ của 113 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.
Việc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn trong các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Theo kế hoạch, thời gian ủng hộ, đóng góp xây dựng Quỹ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7 đến 30/9.
Ông Phương thông tin thêm: "Mục tiêu của Ninh Bình trong thời gian tới là đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên một tầm cao mới; triển khai tốt các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, người có công đảm bảo đúng, đủ và kịp thời".
"Sở sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ và người có công…"
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Ninh Bình trong thời gian qua đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần ổn định cuộc sống cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công.
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, công tác đền ơn, đáp nghĩa cần tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự sẻ chia và đóng góp của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để phong trào ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tới tất cả mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đề án số hóa hồ sơ người có công; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công tại địa phương, đơn vị.