Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Người có công

Người lính trong tác phẩm của những nhà văn

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chiến tranh và người lính xưa nay vẫn là một trong những đề tài, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của giới cầm bút. Nó luôn là thách thức đối với những người cầm bút chưa từng một lần đi qua cuộc chiến nhưng lại là mảng đề tài quen thuộc của một thế hệ những nhà văn mặc áo lính.

Họ viết về chính họ, về những đồng đội và về cuộc chiến mà họ đã từng chiến đấu và chiến thắng…

Nhắc đến dòng văn học đề tài chiến tranh, không thể không nhắc đến “Nỗi buồn chiến tranh” (tên ban đầu là “Thân phận tình yêu”) của Bảo Ninh. Là người lính đi qua chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh đã nói lên một góc nhìn khác về cuộc chiến. 

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh hồi ức đứt đoạn của một người lính về chiến tranh và một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu trong bom đạn. 

Bao Ninh 1.png
Nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng Văn học châu Á lần thứ 2 tại Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.

Trong tác phẩm, Bảo Ninh không miêu tả, kể chuyện về cuộc chiến, không kể lại bất cứ trận đánh nào, mà kể về suy nghĩ, cách ứng xử về cuộc chiến. Ở đó, nhân vật Kiên - người sống sót duy nhất của một trung đội trinh sát - luôn chìm đắm và dằn vặt trong những hồi ức về chiến tranh, những cơn điên dại, hồi tưởng về người yêu và tình yêu đã mất.

Người lính trinh sát năm xưa nay đi tìm và quy tập hài cốt đồng đội đã hy sinh, với vô vàn hồi tưởng về đồng đội và những cái chết… Không chỉ viết về chiến tranh, tác phẩm của Bảo Ninh còn là sự chứng thực của những biến động xã hội mà người Việt Nam phải trải qua trong thời kỳ hậu chiến. 

“Nỗi buồn chiến tranh” được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam viết về chiến tranh, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và giải thưởng châu Á năm 2011, đến nay đã được dịch ra hơn 15 ngôn ngữ và được giới thiệu ở 18 nước trên thế giới…

Năm 2022, Hội Văn học nghệ thuật Danube và Nhà xuất bản AB ART của Hungary đã quyết định trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube cho nhà văn Bảo Ninh, thêm lần nữa củng cố và khẳng định vị trí của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” trên văn đàn thế giới.

Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong những gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ, vừa cầm súng vừa viết văn. Có người từng nói vui rằng, ông cả đời loay hoay viết về đồng đội.

Hầu hết tác phẩm chính của ông đều viết về chiến tranh và người lính như: “Trong cơn gió lốc”; “Trước ngưỡng cửa bình minh”; “Người ở bến Phù Vân”; “Không phải trò đùa”; “Góc tăm tối cuối cùng”... 

Nhà văn Khuất Quang Thụy từng tâm sự: “Khi còn ở chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất, ghi được càng nhiều càng tốt những kỷ niệm, những con người, những cảnh ngộ, số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến.

Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, dù đã ở ngoài mặt trận, dù đã thấy được cái ác liệt và dù đã viết nhiều trang nhưng có lẽ vẫn chưa nói hết được... Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi...”. 

Chu Lai 2.png
Nhà văn Chu Lai với tiểu thuyết “Mưa đỏ”.

Cũng như Khuất Quang Thụy, trước khi trở thành nhà văn, Chu Lai cũng là người lính đặc công. Vốn sống, sự từng trải góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một nhà văn Chu Lai sung mãn viết về đề tài chiến tranh. Hơn 30 năm cầm bút, Chu Lai đã để lại một khối lượng tác phẩm tương đối lớn về chiến tranh, gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, kịch bản sân khấu…

Ông đặc biệt ghi dấu ấn ở mảng tiểu thuyết với những tác phẩm: “Nắng đồng bằng”; “Gió không thổi từ biển”; “Sông xa”; “Vòng tròn bội bạc”; “Bãi bờ hoang lạnh”; “Ăn mày dĩ vãng”; “Phố”; “Ba lần và một lần”; “Cuộc đời dài lắm”; “Khúc bi tráng cuối cùng”; “Mưa đỏ” … 

Số phận người lính hôm qua, hôm nay cứ trở đi trở lại rất nhiều lần trong tiểu thuyết Chu Lai. Tác phẩm của ông đi sâu vào số phận cá nhân, khai thác những uẩn khúc đời tư của người lính trong và sau chiến tranh.

Đó là những người lính trong chiến tranh nổi tiếng gan dạ, mưu trí, dũng cảm, “đánh giặc thần sầu”, chỉ nghe tên kẻ thù đã khiếp vía kinh hồn nhưng khi bước vào thời bình, họ dường như trở thành “mắt xích trượt khỏi đường ray” trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Họ cũng gặp phải những bi kịch tình yêu, bi kịch hạnh phúc gia đình bên cạnh những bi kịch cộng đồng. Tuy nhiên, họ không thoả hiệp với sự xô bồ biến chất của xã hội, không chấp nhận sự xuống cấp của lối sống, của đạo đức con người thời mở cửa.

Họ sẵn sàng đối mặt với nó cho dù phải chịu thiệt thòi bất hạnh. Mặt trái của xã hội tuy làm họ tổn thương nhưng phẩm chất kiên cường của người lính vẫn được phát huy cao độ trong thời bình. 

Ngoài việc “thâm canh” mảng đề tài chiến tranh Việt - Mỹ giai đoạn 1954 - 1975, văn xuôi Việt Nam đương đại những năm gần đây xuất hiện những tác phẩm “khai hoang” đề tài chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm sau 1975.

Trong những tác phẩm nổi bật về chiến tranh biên giới, không thể không nhắc đến “Chuyện lính Tây Nam” của nhà văn nghiệp dư Trung Sỹ.

Xuất hiện lần đầu mạng Win Win do anh em cựu binh trở về lập ra, (người đọc và người viết đa phần là anh em binh sĩ từ chiến trường K và phía Bắc trở về), những câu chuyện chân thực trong dòng hồi ức của một người lính chiến đã lan nhanh cộng đồng mạng và sau đó được Nhà xuất bản Thanh Niên phát hiện và ấn hành.

 “Chuyện lính Tây Nam” với 120 đoản truyện mà ở đó, người đọc hồi hộp theo chân anh lính trẻ Hà Nội bước vào cuộc chiến. Những gì được kể lại chân thực trong “Chuyện lính Tây Nam” cho thấy sự khốc liệt, nghiệt ngã tới mức như trò đùa của chiến tranh. Sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ.

Nhiều khi không chết bởi họng súng địch, mà chết dần chết mòn bởi ma thiêng nước độc, với những hầm chông, bãi mìn câm lặng. Và trong khói lửa chiến tranh chết chóc, thiên nhiên đất nước Chùa Tháp vẫn hiện lên với vẻ đẹp vừa hoang sơ quyến rũ, vừa bí ẩn hiểm độc.

Ăn bờ ngủ bụi như thú hoang nơi rừng sâu núi thẳm, mỗi lần hành quân qua thị trấn, hay trở về cứ là một lần người lính rừng tưởng như được trở về với thế giới loài người…

120 câu chuyện trong “Chuyện lính Tây Nam” được gói vào đó rất nhiều chi tiết của đời sống chiến tranh. Từ câu chuyện mang tính hồi ức, tác giả sử dụng chọn lọc khá nhiều chi tiết rất chung ở chiến tranh người Việt tham chiến mà lại riêng đặc thù Chiến trường K. 120 câu chuyện của đời sống chiến tranh không chỉ giàu chất sử thi về cuộc chiến mà trong đó phản ánh rất rõ bộ mặt của kẻ thù... 

Nhưng quan trọng hơn là “Chuyện lính Tây Nam” đã phơi bày rất sinh động tâm lý binh sĩ tham chiến qua những hành vi của con người, bản năng và bản ngã, ở đó có sự sợ hãi, buồn tủi, có những lúc tưởng như đớn hèn nhưng rồi những người lính vẫn vượt qua tất cả...

Những suy nghĩ, tình cảm, tinh thần của người lính tình nguyện, thông qua chính tác giả và qua những diễn biến, cảnh huống trận mạc, buộc người ta “phải chiến thắng” - chiến thắng cái yếu hèn trong mỗi con người, trước gian khổ, thiếu thốn và nhất là trước cái chết. 

Noi buon chien tranh 5.png
“Nỗi buồn chiến tranh” được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhà phê bình văn học Văn Giá cho rằng, thành công của những tác phẩm văn học đề tài chiến tranh và người lính một phần cũng bởi nhiều trong số đó là các nhà văn đã kinh qua cuộc chiến, họ đã sống, chiến đấu, cống hiến một phần tuổi xuân của mình cho cuộc chiến.

Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa đã giúp họ có được cả bề rộng và chiều sâu của vốn sống.

Họ viết về chiến tranh trước hết như một cách trả “món nợ tinh thần” cho những người đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng chung. Và sau hết là rút ra những bài học đạo lý cho những người đang sống…

Nguyệt Hà

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Tin liên quan
Người anh hùng trong lòng tôi

Người anh hùng trong lòng tôi

Khi viết những dòng hồi tưởng này, tôi đang là một Đảng viên dự bị, con gái của cựu chiến binh Đ.N.D vừa mất (năm 2023), người đã thắp lên ngọn lửa...
Những thước phim quý về người lính

Những thước phim quý về người lính

(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng đề tài người lính vẫn xuất hiện đều đặn trong tác phẩm điện ảnh, đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả, lan tỏa...