Khi ấy, đại đội tổ chức cải tạo đoạn đường từ sân bay Đồng Hới đến phà Quán Hàu và gặp phải những quả bom tấn. Một mình bà Hiền đã tự tay xử lý những quả bom ấy.
3 lần truy điệu sống
Những ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Thu Hiền tại TP Vinh (Nghệ An). Dù năm nay đã gần 80 tuổi, bà Hiền vẫn rất nhanh nhẹn, đôi mắt sáng quắc và lúc nào cũng tươi cười. Nhìn bà Hiền trong trang phục đời thường, ít ai biết bà là nữ anh hùng đã 3 lần xung phong hy sinh trên chiến trường vì Tổ quốc.

Năm 1969, trước yêu cầu của chiến trường, cô gái xinh đẹp Hồ Thị Thu Hiền (quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một trong 500 thanh niên tỉnh Nghệ An tiến vào vùng chiến sự. Từ một chiến sĩ, bà được giao làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng.
Tháng 5/1969, bà Hiền được giao nhiệm vụ làm Đại đội trưởng Đại đội 202 chi viện cho tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị phục vụ tiền tuyến, khi chưa đầy 20 tuổi. Nhiều chiến dịch vận chuyển hàng hóa được đại đội của bà Hiền vận chuyển thành công vào chiến trường. Đoạn đường từ cổng Bình Quan lên Cộn mà đơn vị đảm nhiệm tu sửa còn đầy rẫy bom đạn chưa nổ.
Bà Hiền kể: “Lúc đó, địch đánh phá ác liệt lắm. Nhưng quân ta còn quyết tâm hơn. Anh em thanh niên xung phong quán triệt mồm nói, tay phải làm, chân phải chạy”.
Trong đợt phá bom từ trường đầu tiên thông cung đường đại đội làm nhiệm vụ, bà Hiền đã tự tay phá quả bom đầu tiên. Trước khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, anh chị em trong đơn vị đứng nghiêm trước đại đội trưởng của mình, tất cả rớm nước mắt nhưng không ai dám khóc thành lời. Lễ truy điệu sống cho bà Hiền đã diễn ra nhanh gọn.
Những quả bom khổng lồ đã phải đầu hàng trước sự dũng cảm của người con gái xứ Nghệ. 1 quả, 2 quả rồi 3 quả bom nặng cả tấn được phá thành công, đồng đội chạy ào đến ôm đại đội trưởng mà khóc. Tuyến đường được thông, những chuyến xe hàng lại bon bon ra mặt trận.
Bà Nguyễn Thị Lan (quê huyện Đô Lương, Nghệ An), đồng đội của bà Hiền chia sẻ: “Lúc đó, chị Hiền là Đại đội trưởng 202, tôi 17 tuổi, mới gia nhập thanh niên xung phong, hành quân từ Nghệ An vào Quảng Bình. Chị Hiền luôn đi đầu dù biết rằng rất dễ bị hy sinh. Chị rất gan dạ. Trong 3 đại đội, chỉ duy nhất nữ Đại đội trưởng là chị Hiền. ”.
Lập tổ cảm tử quân

Trước yêu cầu của chiến trường, đơn vị của bà Hiền rời Quảng Bình vào Đường 9 - Nam Lào làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Đường vào trận địa phải qua nhiều bãi mìn. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, đơn vị thành lập tổ cảm tử gồm 8 người do bà Hiền phụ trách. Trước lúc lên đường, đại đội lại làm lễ truy điệu sống cho tổ cảm tử, riêng Đại đội trưởng thì đây là lần truy điệu thứ hai.
Bà Hiền nhớ lại: “Trời bất chợt đổ mưa. Nước mưa, mồ hôi ướt sũng, trong đêm tối chúng tôi vẫn định vị được vị trí từng quả bom, mìn, gỡ từng sợi dây. Hơn 6 tiếng đồng hồ trôi qua trong nghẹt thở, mìn được gỡ. 2 giờ sáng, đường vận chuyển được mở toang. Thương binh được đại đội đưa về tuyến sau an toàn”.
Trong lúc tổ của bà vận chuyển thương binh ra khỏi thung lũng Tà Cơn, bất ngờ địch phát hiện, chúng bắn điên cuồng vào đội hình. Vì che chở cho thương binh, đội viên trẻ nhất Trần Võ Bích hy sinh, Đại đội trưởng Thu Hiền bị thương nặng.
Đơn vị bà nhiều lần vào vùng giáp ranh với địch để vận chuyển vũ khí, đạn dược, thương binh rồi lại trở ra với những cung đường, bến phà. Và lần truy điệu thứ ba cho Đại đội trưởng Thu Hiền diễn ra gần phà Quán Hàu. Khi ấy, đại đội tổ chức cải tạo đoạn đường từ sân bay Đồng Hới đến phà Quán Hàu và gặp phải những quả bom tấn. Một mình bà Hiền đã tự tay xử lý những quả bom ấy.
Đất nước thống nhất, bà Hiền trở về với thương tật 3/4 cùng một mảnh đạn nằm trong đầu. Lúc ấy, bà chưa đầy 30 tuổi, là cán bộ đoàn có năng lực, đầy triển vọng. Bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh đoàn Quảng Bình, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Giao thông, được đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III và được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
Bà Phan Thị Hòe (quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Đại đội phó Đại đội 202 tâm sự: “Chị Hiền thương anh chị em lắm. Ai cùng được chị quan tâm, thăm hỏi tận tình. Trong chiến đấu, chị vô cùng dũng cảm, mỗi khi có chị đi trước là chúng tôi yên tâm lắm”.
Sau chiến tranh, bà Hiền về quê và bà gặp lại ông Hoàng Văn Cự, người lính Trường Sơn cùng quê. Hai người yêu nhau và trở thành vợ chồng. Sau cưới không lâu, ông Cự lại phải vào đơn vị làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Một tay bà tần tảo làm việc nước, thu vén việc nhà, nuôi con trưởng thành. Cuối năm 2007, bà Hiền đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hoàng Tùng
Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ