Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế

Thành phố "không ngăn sông cấm chợ" nhưng để chủ động phòng, chống Covid-19, người dân khi trở lại Hà Nội phải khai báo y tế, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nói.

Thành phố "không ngăn sông cấm chợ" nhưng để chủ động phòng, chống Covid 19, người dân khi trở lại Hà Nội phải khai báo y tế, Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng nói.

Yêu cầu trên được Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch đưa ra tại phiên họp chiều 13/2.

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế - Ảnh 1.

Người về quê ăn Tết quay trở lại Hà Nội sẽ phải khai báo y tế tại địa phương. Ảnh: Ngọc Thành.

Ông Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục quản lý tốt vấn đề hộ khẩu, nhân khẩu trong bối cảnh người dân sẽ trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.

"Từng tổ dân phố quản lý chặt, yêu cầu khai báo y tế", Phó Chủ tịch thành phố nói và cho biết, thành phố "không gây khó khăn" nhưng việc triển khai các hoạt động trên để quản lý tốt lịch trình, sức khoẻ của người dân một cách chủ động.

Lưu ý các địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ rất đông các công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, ông đề nghị hơn 10.000 tổ Covid-19 cộng đồng phát huy vai trò giám sát, vận động trong thời điểm này.

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế - Ảnh 2.

Thành phố yêu cầu huyện Mỹ Đức không đón khách đến chùa Hương trước rằm tháng giêng. Ảnh: Ngọc Thành.

Nêu lại quy định dừng các lễ hội của thành phố, ông Dũng yêu cầu các địa phương công khai thông tin rõ ràng, tránh mập mờ gây ra cách hiểu khác như "dừng khai hội nhưng vẫn đón khách". Với một số lễ hội lớn, có thời gian tổ chức dài ngày như lễ hội chùa Hương, ngoài việc không tổ chức khai hội, chính quyền địa phương nên xem xét việc không đón khách thập phương đến hết Rằm tháng giêng.

"Chậm tổ chức đón khách nhưng an toàn còn hơn phải cách ly một thôn, xã thậm chí cả huyện làm khó khăn cho địa phương, thành phố", Phó Chủ tịch nêu.

Với việc đi học, lãnh đạo thành phố giao Sở Giáo dục Đào tạo xây dựng phương án, báo cáo tại cuộc họp tới của Ban chỉ đạo (ngày 16/2) để xem xét quyết định học sinh quay trở lại trường hay tổ chức học online.

Số liệu các ca bệnh trong những ngày qua cho thấy thành phố đã cơ bản khống chế được dịch. Điều đó dễ gây tâm lý chủ quan với nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, ông Dũng nói và đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tính từ ngày 27/1 đến 13h ngày 13/2, Hà Nội ghi nhận 30 ca bệnh ngoài cộng đồng. Trong đó, ngày 31/1 có số ca mắc cao nhất với 11 trường hợp; từ ngày 2/2 đến nay có một đến 2 ca và hầu hết đều là các trường hợp đã được cách ly tập trung.

Người dân trở lại Hà Nội sau Tết phải khai báo y tế - Ảnh 3.

Học sinh, phụ huynh và các giáo viên trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm) sẽ được về cách ly tại nhà từ ngày 14/2. Ảnh: Giang Huy.

Thành phố đã kết thúc rà soát người đi đến, về từ vùng dịch (TP Chí Linh, Hải Dương và sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh), trên 18.000 người được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 4 ca dương tính, còn lại âm tính.

Bên cạnh đó, trên 16.000 trường hợp liên quan các địa điểm có ca bệnh tại Hà Nội đã được lấy mẫu xét nghiệm. Hơn 12.000 trường hợp là cán bộ, nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Nội Bài cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm. Toàn bộ trên 28.000 trường hợp nêu trên đều âm tính.

"Đây là những số liệu minh chứng tình hình dịch ở địa bàn thành phố đã được kiểm soát", ông Hạnh nói nhưng cho rằng nguy cơ vẫn còn và có thể tiếp tục xuất hiện các các bệnh ngoài cộng động trong thời gian tới nên không thể chủ quan.


Tin liên quan
Phim tết có thực sự là mùa vàng?

Phim tết có thực sự là mùa vàng?

(LĐXH) - Những mùa tết gần đây, phim Việt áp đảo các suất chiếu ngoại ở các rạp chiếu. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức đối với các nhà...