Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

4 cách vượt qua stress khi thất nghiệp

Mặc dù thời gian thất nghiệp luôn ít hơn thời gian đi làm nhưng đây lại là giai đoạn không hề dễ dàng với bất kỳ ai. 4 cách sau đây sẽ giúp bạn có cách nhìn tích cực hơn và từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mặc dù thời gian thất nghiệp luôn ít hơn thời gian đi làm nhưng đây lại là giai đoạn không hề dễ dàng với bất kỳ ai. Đặc biệt trong tình hình tỉ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng như hiện nay, thời gian thất nghiệp càng lâu, bạn sẽ càng cảm thấy stress, mất phương hướng và chất lượng cuộc sống sẽ bị tác động không hề nhỏ. Đâu là cách vượt qua stress khi không có việc làm trong thời gian dài là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều người. Tuy nhiên, 4 cách sau đây sẽ giúp bạn có cách nhìn tích cực hơn và từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Sắp xếp lịch trình sinh hoạt một cách khoa học

Khi còn đi làm công ty, bạn như một cỗ máy được lập trình sẵn thời gian, lịch trình rất ít khi bị xáo trộn thì ngược lại, khi thất nghiệp, bạn sẽ là "vua thời gian". Nếu không biết cách sắp xếp lịch sinh hoạt khoa học, thời gian trống quá nhiều sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái suy nghĩ và trầm cảm.

Vậy nên, việc đầu tiên bạn nên làm là lập một thời gian biểu những công việc quan trọng muốn thực hiện theo tuần. Ví dụ lịch trình cho buổi sáng thứ Hai: 5h dậy tập thể dục, 7h00 đưa con đi học, 7h30 đi chợ mua đồ ăn, 8h30 – 10h30 tìm hiểu thêm kỹ năng chuyên ngành...

Khi đã lập cho bản thân một lịch trình cụ thể để tuân thủ, liên tục hoạt động và làm việc, bạn sẽ hạn chế tối đa được khoảng thời gian dư thừa, đồng thời khám phá ra rất nhiều điều rất thú vị trong cuộc sống mà lâu nay bạn đã bỏ qua vì bận rộn.

4 cách vượt qua stress khi thất nghiệp - Ảnh 1.

Học kỹ năng mới hoặc kiến thức mới

Học luôn là cách tốt nhất để giết thời gian, giúp tinh thần của bạn thêm mới mẻ, rộng mở và cũng là cách vượt qua stress hiệu quả khi thất nghiệp. Những người thông minh luôn biết tận dụng những khoảng thời gian trống hiếm hoi khi thất nghiệp để trau dồi vốn kiến thức cũng như nâng cao giá trị của bản thân. Đơn giản nhất, bạn có thể học cách nấu những món ăn mới cho gia đình mỗi ngày và khoe lên mạng xã hội. Sự tương tác, đóng góp ý kiến giữa bạn bè trên mạng xã hội ảo cũng là một cách giúp bạn vui vẻ và có thêm động lực thực hiện những điều mới mẻ khác.

Bên cạnh đó, học ngoại ngữ, luyện nghe nói tiếng Anh mỗi ngày để có thể giao tiếp thuần thục là điều vô cùng thiết thực. Nếu bạn có xu hướng đổi nghề, hãy tìm hiểu về các kỹ năng của chuyên ngành mới đó và làm quen với kiến thức mới. Sử dụng các ứng dụng nổi tiếng như Udemy, Coursera, EdX... để tận dụng các khóa học về IT, Marketing, Khoa học xã hội, Kỹ năng... miễn phí từ các trường đại học nổi tiếng thế giới.

Với những người không có khả năng tự học, bạn nên đăng ký các lớp học nâng cao kỹ năng chuyên ngành để có thể giữ vững tay nghề, đồng thời có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với những người mới cùng lĩnh vực. Biết đâu những mối quan hệ mới này có thể giúp ích cho công việc trong tương lai của bạn.

Lên kế hoạch tìm kiếm việc làm mới

Thời gian nghỉ việc sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn nhìn lại một chặng đường dài trong sự nghiệp đã qua của mình. Đây chính là lúc bạn có thể tìm ra những ưu thế, khắc phục những điểm yếu khi làm việc trước đây và chuẩn bị cho một kế hoạch mới cho tương lai.

Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để cập nhật tình hình tuyển dụng trên các website tìm việc, ghi chú lại những thông tin quan trọng hay những công ty bạn đã đưa vào tầm ngắm để có thể nộp CV bất cứ khi nào họ đăng tin tuyển dụng. Còn nếu như bạn muốn tìm một công việc hoàn toàn mới, hãy thử sức nộp hồ sơ vào những công ty tuyển dụng thực tập sinh hoặc lao động thời vụ. Đây có thể là phương án tốt giúp bạn vừa có thể đi làm để học hỏi kiến thức mới, vừa có thể có thêm một khoản chi tiêu nho nhỏ; đồng thời cũng là cách vượt qua stress, giúp bạn thoát khỏi những căng thẳng, chán nản vì suy nghĩ về tương lai của bản thân.

4 cách vượt qua stress khi thất nghiệp - Ảnh 2.

Luôn giữ vững lòng tin và sự lạc quan

Đã bao lâu rồi bạn chưa từng được rời xa màn hình máy vi tính cả ngày, hay thoát khỏi cảnh chán ngán với đống báo cáo trên bàn mỗi tuần? Đã bao lâu rồi bạn có thể thoải mái ngủ nướng, hay thoải mái ngồi nhâm nhi ly café sáng chứ không còn lo bon chen trên những tuyến đường đông nghẹt chỉ để đến công ty đúng giờ chấm công? Đã bao lâu bạn không dành thời gian bên cạnh gia đình bé nhỏ để cùng tận hưởng một chuyến di lịch ngắn ngày ở một vùng đất mới?

Mọi chuyện trở lên dễ dàng hay rắc rối đều do suy nghĩ của chúng ta mà ra. Thay vì ủ rũ, buồn phiền và cảm thấy mình vô dụng, bạn cần học cách luôn vững tin vào bản thân với tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực.

Hãy thoải mái tận hưởng khoảng thời gian yên bình hiếm hoi của cuộc sống trong lúc này bằng tâm thế lạc quan. Hãy cảm nhận nhịp độ cuộc sống xung quanh mình một cách chậm rãi để thấy rằng, bạn đã từng hối hả như vậy, đã từng lo lắng và sống vội vã như vậy. Thời gian không đi làm lúc này là thời gian tạm nghỉ để cho tinh thần được tạm thời nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Hãy dành sự quan tâm tới những điều khác ngoài công việc.

Chỉ khi tâm trí bạn thoải mái và vui vẻ, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn có thể sáng suốt nhìn nhận ra khó khăn đang gặp phải, tìm cách giải quyết những vướng mắc bằng phương án tốt nhất, với tinh thần thoải mái nhất và luôn vững niềm tin về một tươi lai tươi sáng phía trước. Đây là điểm khởi đầu quan trọng cho mọi cách vượt qua stress khi thất nghiệp hoặc những giai đoạn khó khăn khác trong sự nghiệp.