Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước đã thực hiện đa dạng hình thức kết nối cung - cầu để doanh nghiệp tuyển dụng được lao động và người lao động (NLĐ) có việc làm, thu nhập ổn định.
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động
Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Phước có những tín hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp tuyển thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Để thu hút nhân lực, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ, chính sách cho NLĐ với mức thu nhập ổn định.
Để đáp ứng tiến độ sản xuất, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng bổ sung hơn 7.000 lao động, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực may công nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động, chăm lo đời sống NLĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như NLĐ tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống; qua đó kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động.
Ông Trần Đại Kỳ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Về giải pháp, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm, phiên giao dịch việc làm tại các điểm trường, các huyện trên địa bàn tỉnh; cập nhật chính sách và thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến với NLĐ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ; không ngừng mở rộng địa bàn tuyển dụng lao động ngoại tỉnh.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum… thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều để thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại Bình Phước”.
Thời gian qua, các chính sách đảm bảo tiền lương và chăm lo đời sống công nhân được chủ doanh nghiệp thực hiện ngày càng tốt.
Đây là biện pháp hữu hiệu để doanh nghiệp giữ chân NLĐ quay lại làm việc đầy đủ, nghiêm túc ngay sau tết. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp chủ động các phương án phát triển sản xuất - kinh doanh.
Triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động
Năm 2024, Bình Phước phấn đấu 43.000 người được giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 67%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%.
Thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Đề án 1869/QĐ-UBND về thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;
Đề án 1842/QĐ-UBND về tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc thực hiện hai đề án này nhằm đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh;
Tham mưu sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Phước tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động để kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn; kịp thời có phương án hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết; thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho NLĐ.
Các đơn vị, địa phương liên quan triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, người sử dụng lao động thông qua việc hướng dẫn, đảm bảo chi trả các chính sách an sinh xã hội theo quy định; thực hiện các giải pháp để duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội;
Các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ như: Phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Thu thập, tổng hợp, khai thác thông tin việc làm cung cấp cho NLĐ và kết nối nhu cầu tìm việc của NLĐ với người sử dụng lao động; cập nhật thông tin tuyển dụng trên website của Trung tâm.
Bên cạnh đó, tổng hợp, thống kê danh sách thông tin tuyển dụng trong và ngoài nước, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng; tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh;
Tổ chức 2 đợt thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham gia tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT tại các điểm trường.
Quý I, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước đã tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 1.691 lượt lao động. Số người được giới thiệu việc làm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong quý I, số lượng người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm so với cùng kỳ, với 1.747 hồ sơ so với 2.753 năm 2023. |
Gia Khang
Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6