Đây là nhận định các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Cơ hội và thách thức cho ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên Blockchain và AI" do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức.
Thiếu nhân lực có chuyên môn cao
AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (công nghệ chuỗi khối) đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cấu trúc của nhiều ngành công nghiệp, tạo ra những cơ hội việc làm mới nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới nhất là trong lĩnh vực logistics.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Nếu tính trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (8%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
ThS Trần Lê Hồng Vân, chuyên gia tư vấn tại Gerson Lehrman Group (GLG), giảng viên Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo cho biết, ứng dụng AI giúp các doanh nghiệp cắt giảm từ 15 - 25% chi phí logistics thông qua tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và quản lý hàng tồn kho.
Ngoài ra, AI còn nâng cao hiệu quả vận hành kho bãi lên tới 60% và giảm thời gian xử lý đơn hàng đến 35%, giúp doanh nghiệp tăng năng suất và cải thiện chất lượng dịch vụ.
TS Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo cho rằng, sự kết hợp giữa AI và blockchain không chỉ cải thiện ngành logistics và chuỗi cung ứng nói riêng mà còn thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử nói chung, thông qua việc phân tích hành vi tiêu dùng, tối ưu hoạt động quảng cáo marketing và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu hướng.
Tuy nhiên, theo TS Lê Linh Lương, việc triển khai AI và blockchain đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn cao để quản lý và vận hành các hệ thống phức tạp.
“Do đó, nhà trường và các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các tổ chức giáo dục để xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt theo nhu cầu cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn.
Đối với các sinh viên, việc chủ động nắm bắt xu hướng, làm chủ công nghệ là cần thiết, thậm chí nên được coi là yêu cầu bắt buộc để không bị tụt hậu”, TS Lê Linh Lương khuyến nghị.
Ứng dụng công nghệ AI trong logistics là giải pháp cấp bách
Việt Nam đã coi việc ứng dụng công nghệ AI trong logistics là giải pháp cấp bách. Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã nhấn mạnh việc “nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 coi logistics là một trong 8 ngành cần ưu tiên chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các doanh nghiệp có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%.
Việc ứng dụng AI trong logistics cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, trở thành động lực để thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các “big tech” về công nghệ, vi mạch, bán dẫn.
Văn Lý
Báo Lao động và Xã hội số 125