Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Cả nước đã ghi nhận gần 600 công nhân lao động mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp

Đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được các Công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tính đến ngày 20/5, cả nước đã ghi nhận gần 600 công nhân lao động mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp - Ảnh 1.

Hỗ trợ kịp thời cho các công nhân, lao động bị ảnh hưởng dịch covid 19.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tính đến ngày 20/5, cả nước đã ghi nhận gần 600 công nhân lao động mắc COVID-19 tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố. Con số này có thể sẽ tăng lên hàng ngày do số lượng công nhân, lao động thuộc diện F1, F2 còn tương đối lớn. Đi kèm với số ca bệnh F0 là hàng chục nghìn công nhân, lao động tại các doanh nghiệp có ca dương tính phải nghỉ việc để cách ly tập trung và cách ly tại nhà bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nhằm đảm bảo phòng, chống dịch.

Trước hết, đợt dịch này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Các trường hợp F0 đang phải điều trị bệnh, trong khi một bộ phận công nhân có sức đề kháng yếu là vấn đề rất đáng lo ngại.

Hầu hết, người lao động là trụ cột chính của gia đình, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân, lao động. Ban đầu có thể công nhân, lao động nghỉ việc với mức lương, thu nhập giảm, nhưng nếu lâu dài có thể không có lương, không có tiền trang trải cuộc sống, nguy cơ mất việc và đói nghèo là rất cao. Không chỉ vậy, dịch bệnh còn tác động trực tiếp đến việc chăm lo, học hành của con cái họ là điều rất đáng quan tâm.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước những tác động dịch covid 19, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định dành trên 1,5 tỷ đồng để trao tặng 1.550 suất quà thăm hỏi, động viên công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, nhất là tại 8 địa phương đang có công nhân, lao động dương tính với SARS-CoV-2 đã chủ động trích kinh phí Công đoàn để kịp thời hỗ trợ khó khăn, mua trang thiết bị phòng, chống dịch, động viên công nhân, lao động phải nghỉ việc cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người lao động thuê trọ, người lao động mất hoặc giảm thu nhập… Đến nay, đã có hàng trăm tỷ đồng được các Công đoàn ngành, địa phương chi hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thương lượng với người sử dụng lao động để sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp, bảo đảm việc làm cho người lao động; kiến nghị với các doanh nghiệp (có các trường hợp F1, F2 phải nghỉ việc) đảm bảo duy trì thu nhập, hỗ trợ các F1 phải cách ly tập trung; hỗ trợ kinh phí gửi con cho đoàn viên, công nhân, lao động ngoại tỉnh có con nhỏ phải nghỉ học...

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ giao các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; cán bộ, đoàn viên, công nhân, lao động bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4 vừa qua. Trong đó, hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung 10-50 triệu đồng/đơn vị; hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch tối đa 3 triệu đồng/người.

Công đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F1 phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người. Đồng thời, hỗ trợ đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tối đa 1,5 triệu đồng/người.

Tổng Liên đoàn hỗ trợ đoàn viên, người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tối đa 500.000 đồng/người.

Cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch được hỗ trợ từ 80.000-150.000 đồng/người/ngày, tùy theo cấp công đoàn, tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch.

Các cấp Công đoàn đang khẩn trương cập nhật danh sách đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, trước hết là thuộc các F0, F1 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để chung tay với doanh nghiệp, cộng đồng xã hội kịp thời ứng phó và hỗ trợ đoàn viên, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 để Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, động viên, khích lệ đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch.