Triển khai chính sách cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Tinh thần làm việc không ngừng nghỉ đã giúp Nhật Bản vươn lên thành siêu cường kinh tế thứ hai toàn cầu sau Mỹ vào thập niên 1980 - giai đoạn “phép màu kinh tế”. Tuy nhiên, nó cũng đặt nền tảng cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe quốc gia kéo dài hàng thập kỷ.
Vào những năm 1980 khi ngày càng nhiều trường hợp tử vong do làm việc quá sức (karoshi) được ghi nhận, giới chức đã thiết lập các đường dây nóng hỗ trợ những lao động bị ảnh hưởng.
Trong những thập kỷ tiếp theo, một số tập đoàn lớn của Nhật Bản bắt đầu triển khai các chính sách nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, Công ty Toyota giới hạn giờ làm thêm hàng năm ở mức 360 giờ và bắt đầu nhắc nhở nhân viên rời văn phòng trước 7h tối.
Hitachi đã lắp đặt hệ thống quản lý thời gian làm việc để theo dõi giờ làm việc và triển khai các kế hoạch hành động nhằm giảm giờ làm việc cho những nhân viên có dấu hiệu làm việc quá sức. Các công ty khác triển khai “ngày không làm thêm”, yêu cầu nhân viên rời văn phòng trước 5h30 chiều.
Tuy nhiên, những sáng kiến trên chỉ thành công một phần do áp lực văn hóa làm việc quá mức đã ăn sâu vào tâm lý của người Nhật. Mãi đến năm 2015, sau vụ tự tử của Matsuri Takahashi, cô gái 24 tuổi, gây nên làn sóng phẫn nộ toàn quốc, các hành động lập pháp đáng kể mới bắt đầu được thực hiện.
Cô Takahashi đã làm thêm hàng chục giờ mỗi tuần. Trước khi qua đời, cô đã đăng tải trên mạng xã hội rằng: “Tôi làm việc 20 giờ mỗi ngày và không biết mình đang sống vì điều gì. Nó làm tôi bật cười”.
Rõ ràng, cách tiếp cận chủ động và dựa trên dữ liệu là cần thiết để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Năm 2015, Nhật Bản giới thiệu Chương trình kiểm tra căng thẳng, yêu cầu tất cả công ty có trên 50 nhân viên phải thực hiện khảo sát hàng năm để đánh giá sức khỏe tinh thần của từng cá nhân. Dựa trên kết quả, các nhà tuyển dụng phải cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Chương trình đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần ở Nhật Bản và khuyến khích các công ty điều chỉnh điều kiện làm việc để hỗ trợ tốt hơn cho nhân viên.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát có những hạn chế nhất định. Do sự kỳ thị xã hội và tâm lý ngại thể hiện sự yếu đuối, nhiều nhân viên có xu hướng báo cáo thấp hơn mức căng thẳng thực tế, dẫn đến tỷ lệ kết quả âm tính giả cao. Đây là lúc công nghệ tham gia để lấp đầy những khoảng trống, cung cấp cách thức giám sát sức khỏe tinh thần khách quan hơn.
AI giúp người Nhật vượt qua karoshi thế nào
Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cơ hội mới để theo dõi và quản lý sức khỏe tinh thần theo các cách trước đây không thể thực hiện. Công cụ này có thể giúp kiểm soát giờ làm thêm và thậm chí phát hiện người lao động giấu giờ làm thực sự, dù là tự nguyện hay bị ép buộc bởi nhà tuyển dụng.
Các công ty Nhật Bản tiên tiến bắt đầu hợp tác với các nhà cung cấp AI để giải quyết vấn đề báo cáo thấp hơn mức căng thẳng thực tế. Ví dụ, Công ty Kintsugi đã hợp tác với NTT Advanced Technology (NTT-AT), một nhánh của tập đoàn viễn thông NTT, để xác định khách quan các dấu hiệu căng thẳng cực độ thông qua phân tích giọng nói của từng cá nhân.
Khi hợp tác với NTT, nhân viên được mời tham gia vào các đợt kiểm tra sức khỏe tinh thần hàng tháng bằng mô hình AI. Nhân viên nhận được kết quả cá nhân một cách riêng tư, trong khi NTT nhận được các báo cáo tổng hợp ẩn danh để theo dõi xu hướng căng thẳng trong các bộ phận.
Kết quả rất khả quan: 78% người tham gia đồng ý với điểm số sức khỏe tinh thần của họ từ Kintsugi. Với dữ liệu khách quan này, NTT có thể cung cấp các chương trình hỗ trợ mục tiêu cho từng nhân viên, chẳng hạn chương trình trị liệu giấc ngủ hoặc hỗ trợ tiếp cận các chuyên gia sức khỏe tinh thần.
Từ "kintsugi" đề cập đến nghệ thuật cổ xưa của Nhật Bản về việc sửa chữa đồ gốm bị vỡ bằng vàng, khiến nó đẹp hơn sau khi bị hư hỏng.
Theo nhiều cách, công việc mà kintsugi và các công ty khác đang thực hiện để giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần và tình trạng làm việc quá sức ở Nhật Bản giống hình thức kintsugi hiện đại - giúp cá nhân sửa chữa mối quan hệ với công việc và xây dựng lại cuộc sống của họ với ý thức, sự quan tâm và cân bằng lớn hơn.
Khi những rủi ro sức khỏe do làm việc quá sức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận chính thức, phản ứng của Nhật Bản đối với hiện tượng karoshi có thể là mô hình để tạo ra môi trường làm việc lành mạnh hơn trên toàn cầu.
Ninh Trần (theo Weforum)
Báo Lao động và Xã hội số 136