Một báo cáo gần đây của Bộ GD&ĐT cho thấy trong 1 năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường (khoảng 5 vụ/ngày).
Chỉ cần gõ từ khóa "BLHĐ" trên công cụ tìm kiếm Google, chúng ta đã có hàng chục ngàn kết quả. Nguyên nhân của BLHĐ rất đơn giản, như chỉ vì cái nhìn "đểu"; lời qua tiếng lại, hay sự trêu đùa quá trớn mà nhiều HS nhẹ thì bị xé quần áo, chửi bới, nặng hơn là bị những trận đòn tập thể thừa sống thiếu chết; thậm chí có những em phải rời xa mái trường mãi mãi, để lại bao ước vọng của tuổi trẻ.
Đó chỉ là nỗi đau về thể xác, còn nỗi đau về tinh thần khó chữa lành, có thể đi theo các em cả cuộc đời. Bởi không ít nạn nhân của BLHĐ không được bảo vệ kịp thời đã bỏ học, sa ngã. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi, bị cô lập…
Cuối tháng 1/2021, dư luận không khỏi sửng sốt khi Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé gái 13 tuổi uống thuốc trừ sâu tự tử do bị bạn học trêu ghẹo, bắt nạt và ghép đôi với bạn khác giới. Cô bé may mắn được cứu sống nhưng việc điều trị những chấn thương tâm lý về sau là hết sức vất vả.
Cũng trong những ngày đầu năm 2021, một nam sinh lớp 11 Trường THPT huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa bị bạn học dùng gậy sắt vụt vào đầu đến mức vỡ sọ não, thương tật đến 49%.
Hay vụ việc một nam sinh lớp 8 trường THCS Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) bị bạn cùng trường dùng dao đâm tử vong trong giờ ra chơi ngày 1/4 vừa qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ. Vụ án là bài học về việc cần quan tâm sát sao để sớm phát hiện mâu thuẫn phát sinh tại môi trường học đường, giữa HS với nhau.
Theo PGS,TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, những HS rơi vào các vụ việc BLHĐ nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc. Nếu vấn đề tâm lý của các em được phát hiện sớm để có hỗ trợ và tư vấn thì sẽ giảm được những vụ việc BLHĐ. "Phòng chống, ngăn chặn BLHĐ không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần phải có chương trình giáo dục hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình. Bên cạnh đó có thể là chương trình an toàn trong khu dân cư, phố, thôn, xóm, phường, xã thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành giáo dục. Đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống BLHĐ", PGS,TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS, sinh viên (Bộ GD&ÐT) Bùi Văn Linh, để xây dựng văn hóa trường học và phòng, chống BLHĐ hiệu quả, công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho người học cần chú trọng hơn. Nội dung này liên quan nhiều cơ quan như: Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, T.Ư Đoàn… nên có cơ chế phối hợp chặt chẽ để thực hiện. Thời gian tới, các trường cũng phải đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho HS thông qua các môn học, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, ngành giáo dục các địa phương cần cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, ứng xử văn hóa, công tác xã hội, quy chế, điều lệ các cấp học.