Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Chuyện đời trên con đường mang tên thầy thuốc lừng danh

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Là một trong những con đường đầu tiên ở Sài Gòn rộ nở các cửa hàng kinh doanh máy tính, một thời đường Tôn Thất Tùng (quận 1) được mệnh danh là “con đường thời đại”.

Thế nhưng, nhịp sống sôi động kéo dài suốt hơn một thập niên ở đây vẫn không khiến người ta dễ dàng quên đi những ký ức chưa bao giờ nguội…

Cách đây khoảng 30 năm, đường Tôn Thất Tùng ngập tràn cửa hàng bán máy tính. Từ cửa hàng máy tính đầu tiên của TS Trần Hà Nam lập năm 1995, con đường nhanh chóng trở thành tụ điểm của những người trẻ có tài và tham vọng khởi sự với những cửa hàng máy tính nho nhỏ về quy mô nhưng có cung cách kinh doanh, dịch vụ hết sức “khác thường” so với thời bấy giờ.

Chuyện đời trên con đường mang tên thầy thuốc lừng danh - 1

Máy tính hồi đó còn được coi là của hiếm, có giá dăm bảy lượng vàng một chiếc. Chỉ ít lâu sau, một số tên tuổi đã phát triển nhanh chóng, trở thành những “đại gia” như Hoàn Long, Phong Vũ “khuynh đảo” thị trường công nghệ cả nước. 

Đó cũng là nơi mà những người có phần yếu thế hơn vẫn có thể chen chân vào thị trường với những cửa hiệu buôn bán máy tính cũ, phụ kiện hoặc đơn giản chỉ buôn bán đĩa phần mềm, game hay nhạc MP3… với tổng vốn đầu tư một vài trăm triệu đồng. Ở đó, một sạp hàng chỉ vỏn vẹn vài mét vuông là đủ nuôi sống một gia đình với mức sống khá giả.

Nói như thế để thấy, con đường Tôn Thất Tùng là một trong những “khu đất kim cương” ở giữa trung tâm Sài Gòn. Vì vậy, có lần GS Tôn Thất Bách, con trai của GS Tôn Thất Tùng vui miệng bày tỏ mơ ước được sở hữu một căn nhà trên con đường mang tên cụ thân sinh.

Nhưng ngay sau đó, ông lại thở dài: “Đó mãi chỉ là giấc mơ!..”. Mà thật vậy. Khi nghe tin ông đột ngột qua đời, tôi lại chợt nhớ tới điều ước không bao giờ thực hiện được của ông...

“Phố máy tính” hay gọi như trong “Từ điển Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh” do TS Lê Trung Hoa chủ biên là “phố tin học” chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi vài năm, bắt đầu có dấu hiệu “suy thoái” từ năm 2009. 

Hiện giờ, tất cả tiệm máy tính “khét tiếng” một thời đều dẹp tiệm hoặc thu hẹp đáng kể, chuyển sang bán online. Mặc dù vậy, thị trường máy tính đang dần bão hòa, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh cũng buộc không ít người phải tính chuyện chuyển sang nghề khác. 

Anh Lộc từng kinh doanh máy tính ở đây cho biết, thị trường máy tính bắt đầu ế ẩm đúng lúc thị trường chứng khoán và bất động sản “lên hương”. Vì thế, nhiều người sau thời gian “phất lên” nhờ buôn bán máy tính đã dồn tiền chơi chứng khoán, đầu cơ nhà đất.

Thế rồi cả hai “mỏ vàng” ấy ít lâu sau cũng lụi tàn, đến giờ thì “của thiên trả địa”. Một số tên tuổi trong giới máy tính giờ phải xoay sang buôn bán những thứ lặt vặt như quần áo trẻ em, nón bảo hiểm để sống qua ngày. Nhưng vì chưa kịp quen với “nghề tay trái” nên phần lớn tiếp tục bị thua lỗ, phải trả mặt bằng để đi nơi khác làm ăn.

Trong khi con đường Bùi Thị Xuân cũng nằm trong “khu phố tin học” nhanh chóng chuyển sang các dịch vụ khách sạn, chăm sóc sắc đẹp, tài chính - ngân hàng, nhà hàng ăn cao cấp, quán bar… thì con đường Tôn Thất Tùng lại… đi ngủ sớm.

Mới chừng 19 - 20h tối mà phố xá đã vắng hoe, hầu hết cửa hàng cửa hiệu đóng im ỉm. Chỉ có mấy quán cóc vỉa hè còn lưa thưa vài vị khách bình dân ngồi tán gẫu, chờ đến giờ vào giấc khuya…

***

Chuyện đời trên con đường mang tên thầy thuốc lừng danh - 2

Con đường Tôn Thất Tùng mang tính cách khá “lập dị” so với những con đường xung quanh. 

Trước đây, con đường này mang tên Bùi Chu. Còn xưa hơn nữa, thời thuộc Pháp thì có tên Frère Guilleraut. Nhắc đến hai cái tên này, những người già thường nhớ tới nhà thờ Huyện Sỹ hơn trăm tuổi nằm ở đầu con đường. 

Sài Gòn xưa nổi lên tứ đại hòa phú lẫy lừng, đầu bảng là “Nhất Sỹ” - Lê Phát Đạt, ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu. Ông nổi tiếng còn vì rất giàu có nhưng lại đề cao tính cần kiệm và thương người.

Trong nhà, ông treo đôi câu đối làm phương châm sống: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/ Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ” (trong việc gia chánh thì cần kiệm là thượng sách, còn trong xử thế thì phải lấy chữ nhẫn và hòa làm đầu).

Nhà thờ Huyện Sỹ chính là công trình chứng minh cho sự giàu có, được xây dựng với chi phí trên 30.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương 6.000 lượng vàng) bằng 1/7 gia tài của ông.

Trải qua lịch sử trăm năm, vùng đất mà Huyện Sỹ từng ghi dấu ấn đã mang đến sự phát đạt cho bao người. Nhưng có điều lạ là dường như không nghề nào tồn tại được lâu, “phất” rồi cũng bất ngờ lụi tàn, khiến không ít người rơi vào cảnh “lên voi xuống chó”. Như một định mệnh mà đến giờ vẫn chưa ai giải thích nổi…

Cách đây hơn nửa thế kỷ, trên con đường này có quán cầy tơ ngon nổi tiếng. Ngon đến mức một “anh Hai Nam bộ” như soạn giả cải lương Hà Triều (cùng với soạn giả, người bạn tri kỷ Hoa Phương viết nên những vở cải lương đặc sắc, nổi tiếng “Nửa đời hương phấn”) cũng phải mê mẩn, vài ngày không đến một lần là cảm thấy trong người… bất an.

Ông thường rủ bạn bè đến đây nhậu suốt từ chiều đến tối. Có những lần nhậu say không còn biết trời đất, bạn bè phải dìu về nhà. Những lúc men rượu thấm tận tâm can, ông khề khà khen “món dồi chó ở quán thịt cầy Bùi Chu là hết sẩy, rượu thuốc ở đây là tuyệt, uống quá đã!”.

Hà Triều đã về cõi vĩnh hằng từ hơn 10 năm trước. Còn quán cầy tơ ấy cũng đã “dẹp tiệm” từ lâu. Chỉ còn lại con đường vẫn tồn tại, miệt mài ghi vào ký ức những điều đã đi qua. Bởi, những gì đang diễn ra ngày hôm nay, trên con đường ấy, thì ngày mai đã trở thành quá vãng…

GS, BS, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng (1912 - 1982) là tên tuổi lớn trong lĩnh vực y khoa, tác giả của “Phương pháp cắt gan khô” hay còn gọi là “Phương pháp Tôn Thất Tùng” nổi tiếng thế giới. Ông là Viện sĩ và thành viên nhiều tổ chức khoa học hàng đầu thế giới, là giáo sư đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Ông từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Đức bây giờ). Con trai ông, cố GS, BS Tôn Thất Bách cũng là tên tuổi lớn của ngành y với nhiều đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam cũng như thế giới.

Việt Hùng

Báo Lao động và Xã hội số 23

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...