Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Nhân lực

Chuyện tác nghiệp của phóng viên thường trú tại nước ngoài

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Phóng viên Việt Nam thường trú ở nước ngoài phải sống xa gia đình, bạn bè và tác nghiệp trong điều kiện vô vàn khó khăn. Song, với lòng đam mê và trách nhiệm với nghề, các phóng viên thường trú vẫn hằng ngày, hàng giờ lặng lẽ cống hiến, cập nhật tin tức quốc tế, đồng thời là cầu nối thông tin đối ngoại Việt Nam ra thế giới…

Chuyện tác nghiệp tại “điểm nóng”

Khán giả truyền hình cả nước đã quen với gương mặt phóng viên Anh Phương (Đài Truyền hình Việt Nam) thường trú tại Trung Đông - nơi thường xuyên xảy ra các trận giao tranh với nhiều bản tin được ghi hình ngay tại các điểm nóng.

Anh Phương cho biết, tại mảnh đất của người Palestine và Israel, đụng độ và xung đột trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống, đến mức ở những tình huống đụng độ hỗn độn cũng đã hình thành nên những quy tắc. Phóng viên được cả hai phía xác định không phải là mục tiêu.

anh.jpg
Nhà báo Anh Phương tác nghiệp tại Trung Đông.

Chỗ phóng viên đứng trong cuộc đụng độ đã được các phóng viên chọn lựa một vị trí tạm có thể nói là an toàn nhất lúc đó, bởi sẽ được cả 2 phía chừa ra. “Tuy nhiên, bất trắc thì không ai nói trước được điều gì.

Có một nguyên tắc bất di bất dịch, không chỉ với chúng tôi mà với bất cứ phóng viên nào, khi tác nghiệp tại những điểm nóng đó là không có tin tức nào quan trọng hơn mạng sống. Phóng viên phản ánh tin tức chứ đừng biến mình thành tin tức.

Phóng viên của Đài Phát thanh và truyền hình Palestine PBC cho chúng tôi biết, trước đây có những phóng viên của họ bị thiệt mạng khi đưa tin về cuộc đụng độ như vậy", Anh Phương nói.

Tại Trung Đông, Đài Truyền hình Việt Nam đóng văn phòng tại Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và phóng viên có cơ hội được đến tác nghiệp tại Trung Đông, Bắc Phi như: Iran, Ai Cập, Bờ Tây hay Jerusalem…. Anh Phương cho biết, những người Palestine, vì sự thù hận, bất đồng giữa 2 dân tộc nên không thể có một cuộc sống bình yên.

Cũng chính tại nơi này có rất nhiều câu chuyện cảm động và thêm tự hào về đất nước Việt Nam.Vì lòng kính trọng và cảm phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên có không ít người Palestine đặt tên con mình là Giáp theo tên của đại tướng.

"Tôi cảm nhận được là 2 tiếng Việt Nam đã được không ít người dân tại mảnh đất này nhắc đến với sự trân trọng. Với người Palestine, đó là nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh mà họ vẫn đang tiếp tục tiến hành.

Còn với người Israel, đó là cảm nhận về một đất nước có tốc độ phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu kinh tế và là điểm đến của không ít nguyên thủ các cường quốc trong thời gian gần đây.

Khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam thường tạo ra những ấn tượng và thiện cảm rất tuyệt vời tại khu vực này. Khu vực này vốn nhiều nghi kỵ nhưng khi biết chúng tôi là phóng viên của Việt Nam thì họ chào đón nồng nhiệt.

Nhiều người nhắc tới Việt Nam với sự cảm phục về lịch sử, nhiều người khác lại nhìn Việt Nam như một đối tác tiềm năng… Đó thực sự là một thuận lợi để chúng tôi tác nghiệp tại mảnh đất rất nhiều mâu thuẫn như Trung Đông”, Anh Phương chia sẻ.

nghia.jpg
Nhà báo Duy Nghĩa trong lần tác nghiệp tại Kiev (Ukraina).

Nhắc đến Duy Nghĩa, khán giả xem truyền hình sẽ nhớ đến hình ảnh một nhà báo mẫn cán với vẻ ngoài rắn rỏi, luôn theo sát mọi sự kiện nóng tại Nga cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Anh là phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam tại Liên bang Nga.

Nhà báo Duy Nghĩa kể, kỷ niệm tác nghiệp nơi đất khách thì nhiều lắm nhưng đáng nhớ nhất là các chuyến công tác đến với cộng đồng người Việt ở vùng chiến sự Donbass, Ukraine. Bị kẹt giữa hai chiến tuyến, bà con ta ở đó gặp nhiều khó khăn về cuộc sống sinh hoạt lẫn nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Sự có mặt của phóng viên VTV lúc bấy giờ là niềm động viên an ủi rất lớn và phóng viên đưa được những hình ảnh của bà con lên màn ảnh nhỏ, để gia đình người thân của họ yên tâm nơi quê nhà…

Vượt qua trở ngại nơi đất khách trở thành chiến sĩ thông tin đối ngoại

Nhà báo Đỗ Hữu Hưng, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh (Trung Quốc) kể, khi bắt đầu nhiệm vụ "đi sứ", anh lo lắm. Ngày đầu đến nước bạn, không thể hình dung được công việc, cuộc sống rồi sẽ ra sao.

Huu hung1.jpg
Nhà báo Đỗ Hữu Hưng tác nghiệp ở sa mạc miền tây bắc Trung Quốc.

Lo lắng làm sao để tiếp cận được văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người bản địa và việc thiết lập các mối quan hệ với chính quyền sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt các đồng nghiệp để chia sẻ thông tin. 

Phóng viên thường trú được ví như “chiến sĩ trên mặt trận” thông tin đối ngoại. Vì thế, giữa một "rừng" thông tin ở nước sở tại, anh phải cân nhắc chọn lựa, mức độ thông tin đến đâu cho phù hợp với hoạt động đối ngoại, bảo đảm được thông tin khách quan của vụ việc đến với bạn đọc. 

Với nhà báo Phạm Nguyễn Minh Quang, phóng viên thường trú Báo Thanh Niên tại Bangkok (Thái Lan) thì trở ngại lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Cứ ngỡ có vốn tiếng Anh thì đi đâu cũng được, làm gì cũng xong nhưng oái oăm thay, ở một số quốc gia, tỷ lệ người dân và quan chức biết nói tiếng Anh rất khiêm tốn.

Muốn có tin hay, tin sâu, chẳng còn cách nào khác là phải tự học tiếng bản địa. Cách học nhanh nhất là hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người dân địa phương và học chính từ các đồng nghiệp người Việt đã có thâm niên công tác tại nước ngoài.

Chia sẻ về công việc, nhà báo Hoàng Minh Nga, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại New York (Mỹ) cho rằng, khi ra nước ngoài, phóng viên thường trú chỉ đại diện cho đơn vị truyền thông của một quốc gia đơn lẻ, nên rất khó để cạnh tranh với các hãng thông tấn quốc tế có tầm cỡ.

Không ít phóng viên thường trú phải trông cậy vào nguồn thông tin được đăng tải bởi Reuters, AP, AFP… Từ thông tin đó, họ tự chắt lọc, phân tích và khai thác dưới góc độ được dư luận trong nước quan tâm.

Khác với cách tác nghiệp ở Việt Nam, việc "mua tin" hay trả thù lao cho các cuộc phỏng vấn chuyên gia nước ngoài phụ thuộc vào kinh phí. Có những cuộc phải trả đến 1.000 USD cho người được phỏng vấn. Vì kinh phí dành cho phóng viên thường trú eo hẹp nên rất khó thực hiện những cuộc phỏng vấn độc quyền.

Tại Mỹ, mỗi tờ báo cũng có những định hướng nhất định về truyền tải nội dung, do đó việc khai thác phải hết sức khéo léo, thận trọng.

tac.jpg
Phóng viên thường trú của VTV tại khu vực Trung Đông ghi hình cho một phóng sự. 

“Ngay trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi đã phỏng vấn nhiều người dân và chuyên gia. Nhờ điều này mà tôi không bị ảnh hưởng bởi những thông tin bầu cử trên báo chí Mỹ.

Một kỷ niệm vui mà tôi nhớ mãi là cuộc phỏng vấn tình cờ một người Mỹ tự giới thiệu là người hưu trí. Ông đã giúp tôi có được dự đoán chính xác về kết quả bầu cử.

Thế nhưng khi về đến nhà, thử lên Google tìm hiểu xem "người dân" đó có nổi tiếng không mà nói chuyện hay như vậy, thì mới biết ông là Mark Helprin - nhà văn, đồng thời là cây bút bình luận chính trị của nhiều tờ báo lớn ở Mỹ", nhà báo Minh Nga kể.

Không chỉ gặp khó khăn, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, phóng viên thường trú cũng đối diện với những trăn trở của cuộc sống thường nhật, từ chuyện ăn uống, đi lại cho tới cuộc sống gia đình, chuyện học hành của con cái...

Là Trưởng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam tại New York, nhà báo Hoàng Minh Nga cũng là mẹ của hai con nhỏ. Điều này khiến chị không khỏi âu lo trước mỗi chuyến công tác, hoặc phải tham gia những sự kiện vào buổi tối. Minh Nga bộc bạch: "Lo lắng cho gia đình thì nhiều lắm nhưng biết làm sao được. Nghề mình chọn thì phải cố gắng thôi. Tất cả rồi cũng quen".

Việt Nam có khoảng hơn 50 cơ quan thường trú của các cơ quan báo chí ở trên thế giới.

Các nhà báo, phóng viên thường trú đã làm tốt vai trò cầu nối thông tin đối ngoại, không chỉ tuyên truyền hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới, về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, mà còn cung cấp đầy đủ thông tin nước sở tại cho người dân trong nước; đồng thời cung cấp thông tin trong nước, cũng như về các nước cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Khánh Linh

Báo Lao động Xã hội số đặc biệt Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 

Tin liên quan
Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

Trung Quốc: Làn sóng săn lùng nhân tài AI

(LĐXH) - Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong bối cảnh ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại quốc gia này đang có dấu hiệu phát triển...