Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Cô giáo xương thủy tinh với lớp học “5 không”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Lớp học không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí và có nhiều cái “đa” của cô giáo bị bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã chào đón hàng trăm em nhỏ trong và ngoài tỉnh suốt 20 năm qua.

Kiên cường vượt qua số phận

Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, không thể đi lại như người bình thường. Dù tuổi thơ nhiều đau đớn với những lần gãy xương liên tục, thế nhưng có một khao khát không thể dập tắt được trong tâm trí Tâm, đó là được đến trường học chữ. 

1.jpg
Ngọc Tâm tham dự sự kiện "Thủ tướng đối thoại với thanh niên năm 2023" với chủ đề: "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". (Ảnh NVCC)

Lên 8 tuổi, mong ước được tới trường như bạn bè cùng trang lứa của Tâm ngày một thôi thúc. đáp ứng niềm mong mỏi được đi học của con, bố mẹ xin cho Tâm vào lớp 1 trường tiểu học gần nhà.

Tuy nhiên, việc đến trường với Tâm là một hành trình gian nan, không chỉ với bản thân mà còn cần sự nỗ lực của cả gia đình. Quãng đường đến lớp không xa, nhưng mỗi khi đi vào chỗ xóc, xương của Tâm có thể bị gãy, nên gia đình phải chèn gối vào xe đạp để bảo vệ em.

“Được đi học em rất thích. Lúc nhìn cô giáo trên bục giảng, trong em có một ao ước được trở thành cô giáo giống như cô giáo đang dạy mình. Không được đi học mầm non như các bạn, khi mới vào học lớp 1, em được bố dạy học bảng chữ cái tiếng Việt, em học rất nhanh, chỉ trong hai ngày đã nhớ mặt chữ cái.

Đến giờ em vẫn không thể hiểu khi ấy mình có thể học thuộc được bảng chữ một cách “siêu tốc” như vậy. Có lẽ do em mong muốn được đi học như các bạn quá”, Tâm nhớ lại.

Thời gian thấm thoắt trôi, việc học của Tâm diễn ra suôn sẻ ngoài sự tưởng tượng của em và gia đình. Không phụ công sức của ông bà, cha mẹ trong 9 năm trời thay nhau đưa đón, từ lớp 1 đến lớp 9, Tâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.

Nhưng để đổi lại 9 năm được đi học, danh sách bệnh của Tâm cũng dài hơn, lưng còng hơn, mắt cận, sức khỏe giảm sút. Dù vậy, chưa bao giờ Tâm có ý định dừng lại, nhưng vì sức khỏe không cho phép, hơn nữa trường cấp 3 cách nhà đến 15km, đường lại trơn trượt rất khó đi, do vậy Tâm đành ngậm ngùi gác lại mong ước được đến trường. 

2a.jpg
Ngọc Tâm với các học trò tại lớp học “5 không”.

Hiện thực hóa ước mơ

Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ làm cô giáo, Tâm xin phép bố mẹ cho mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em nhỏ trong xóm.

Năm 2004, lớp học mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh” với diện tích 10m2 chính thức ra đời, hay còn gọi lớp học “5 không”: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí và lớp học có nhiều cái “đa” như: Đa độ tuổi, đa môn học, đa địa lý (nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều môn học, nhiều học sinh các tỉnh).

Chia sẻ về việc dạy học, Tâm cho biết: “Được bố mẹ trang bị cho máy tính nên em tự học thêm từ sách vở, internet để nâng cao phương pháp sư phạm và kiến thức theo chương trình sách giáo khoa mới, sự thay đổi liên tục trong giáo dục để việc dạy, hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn.

Do mới học đến lớp 9 nên em chỉ dạy hỗ trợ, kèm cặp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 với chủ đạo hai môn là toán, văn, những môn học khác nếu học sinh có nhu cầu, em  kèm thêm”. 

Về phương pháp dạy học của mình, Tâm bật mí: “Em luôn đề cao tinh thần tự học của học sinh nhiều hơn là việc giáo viên cứ nói còn trò thì không hiểu. Có nghĩa, học sinh sẽ tự học, tự làm bài tập ở lớp, sau đó chỗ nào vướng mắc, chưa hiểu, em sẽ giảng giải để các em hiểu; đồng thời ra thêm bài tập tương tự để học sinh làm.

Môn tiếng Anh, thay vì đọc cho học sinh nghe, em sử dụng công nghệ hỗ trợ các bài đọc hoặc cách phát âm từ phần mềm ứng dụng để học sinh phát âm theo đúng giọng người bản xứ”. 

“Tiếng lành đồn xa”, phụ huynh thấy con em họ được Tâm kèm cặp đều có lực học tốt nên cho con đến học nhiều hơn. Dần dần lớp học “5 không" của cô giáo xương thủy tinh ngày càng thu hút đông học sinh cả trong và ngoài tỉnh, nhiều khi sĩ số lớp học lên tới 30 em.

Ngoài lúc dạy học, Tâm rất thích làm thơ, viết báo. Thơ của Tâm đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Tiền nhuận bút hoặc giải thưởng, Tâm mua sách vở, đồ dùng học tập làm phần thưởng nhỏ khích lệ học trò mỗi dịp kết thúc học kỳ, năm học.            

“Nếu tiền nhuận bút không đủ, em đã có “nhà tài trợ vàng” là bố mẹ, vì bố mẹ em luôn đồng hành cùng em trong mọi hoạt động”, Tâm nở nụ cười tươi.

2.jpg

Bản thân Tâm từ nhỏ đã rất thích đọc sách, với mong muốn đem đến tri thức, khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh và người yêu sách ở địa phương. Năm 2017, không gian đọc mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh” ra đời với đa dạng đầu sách, được nhiều người đồng lòng, cổ vũ; đặc biệt học sinh của Tâm rất thích đọc sách, nhiều người dân, các cụ già cũng đến đọc, mượn sách về đọc. 

Mỗi độ tuổi đọc loại sách khác nhau. Sách dành cho trẻ em được xếp thấp hơn, sách cho người lớn xếp ở tầng cao hơn. Khi học sinh lấy sách đều mang đến cho cô Tâm kiểm tra xem có phù hợp lứa tuổi của mình không.

Những em là học sinh giỏi cấp 2, cấp 3, cô Tâm thường hướng đọc những cuốn về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sống; các cụ già đọc sách kinh, phật… Để nêu cao tinh thần tự giác của các em, sau khi đọc xong, cô Tâm yêu cầu cất sách vào đúng nơi quy định, do vậy không gian đọc sách luôn gọn gàng, ngăn nắp.

Đến thời điểm hiện tại, lớp học “5 không” của cô giáo xương thủy tinh đã đi được chặng đường 20 năm. Nhiều em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, đỗ các trường đại học top đầu.

Nhiều em đã lập gia đình, nhưng mỗi khi có vướng mắc đều nhắn tin, gọi điện cho cô Tâm để được tư vấn, chia sẻ. Mỗi dịp tết đến xuân về, các trò thường trở về thăm cô giáo, cùng nhau ôn lại chuyện xưa và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống.

"Mỗi thành tích học tập, sự trưởng thành của học sinh chính là hạnh phúc của em. Chỉ cần trái tim còn đập, thì hành trình lớp học “5 không” vẫn sẽ tiếp tục”, Ngọc Tâm chia sẻ.

Truyền cảm hứng cho cộng đồng

Ở tuổi 34, Tâm không nhớ nổi số lần bị gãy xương đã gấp bao nhiêu lần nữa số tuổi của mình. Bởi, chỉ cần Tâm ngồi lệch hay hoạt động mạnh một chút là xương bị gãy. Có hôm vừa đến bệnh viện bó bột xong về đến nhà thì… lại gãy chỗ khác, lại phải quay vào viện. Càng ngày, bệnh xương thủy tinh càng trầm trọng. Không những vậy, Tâm còn bị bệnh về tim, phổi, phế quản, dạ dày….

Tâm hay nói: “Mình có 2 mét bẻ đôi, cân nặng 15kg, nhưng là người tham việc”. Quả đúng như vậy, ngoài việc dạy học, Tâm tích cực tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật (NKT) và nhiều chương trình thiện nguyện khác. Hiện Tâm là ủy viên  Ban Thường vụ Hội NKT tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh. 

Nhiều năm qua, những điều cô gái mắc bệnh xương thủy tinh làm được thực sự đã truyền cảm hứng về một nghị lực không chỉ cho bản thân Tâm, mà còn cho cộng đồng, xã hội, nhất là NKT có thêm niềm tin, nghị lực, sống mạnh mẽ hơn, tích cực và ý nghĩa hơn.

3.jpg
Các em học sinh tại không gian đọc “Ngọc Tâm thủy tinh” (Ảnh NVCC).

Với ý chí và nghị lực mạnh mẽ vượt lên số phận, sống tích cực và cống hiến cho cộng đồng, Nguyễn Thị Ngọc Tâm đã được trao tặng nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý.

Trong đó một số sự kiện tiêu biểu như năm 2022, Ngọc Tâm lọt top 47 tấm gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu toàn quốc; top 4 cá nhân tiêu biểu trên cả nước được trao giải thưởng KOVA hạng mục “Sống đẹp”; năm 2023 em lọt top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng; được tặng Kỷ niệm chương “Vì Hạnh phúc của NKT”; Bằng khen của Chủ tịch liên hiệp hội về NKT Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển liên hiệp hội nhiệm kỳ (2017 - 2022).

Tháng 11/2023, Ngọc Tâm vinh dự được chọn là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2021, em được nhận Bằng khen đã đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020; Bằng khen là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt 2020”…

Cù Hòa

Báo Lao động Xã hội số 64