Theo đó, Điều 10 của Thông tư nêu rõ danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con, bao gồm: Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ; Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam.
Danh mục nghề, công việc được áp dụng chung cho tất cả lao động nữ
Danh sách 55 nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ theo quy định tại khoản 1 Điều 142 của Bộ luật lao động như sau:
Trực tiếp nấu chảy và rót kim loại nóng chảy ở các lò; Cán kim loại nóng (trừ kim loại màu); Trực tiếp luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thiếc, thủy ngân, kẽm, bạc); Đốt lò luyện cốc; Hàn trong thùng kín, hàn ở vị trí có độ cao trên 10m so với mặt sàn công tác;
Khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn; Cậy bẩy đá trên núi; Lắp đặt giàn khoan trên biển; Khoan thăm dò giếng dầu và khí; Làm việc theo ca thường xuyên ở giàn khoan trên biển (trừ dịch vụ y tế - xã hội, dịch vụ ăn ở);
Bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện trong cống ngầm hoặc trên cột ngoài trời, đường dây điện cao thế, lắp dựng cột điện cao thế; Bảo dưỡng, lắp dựng, sửa chữa cột cao qua sông, cột ăngten; Làm việc trong thùng chìm; Trực tiếp căn chỉnh trong thi công tấm lớn hoặc cấu kiện lớn bằng phương pháp thủ công;
Trực tiếp đào giếng, thi công hoàn thiện giếng bằng phương pháp thủ công; Trực tiếp đào gốc cây lớn, chặt hạ cây lớn, vận xuất, xeo bắn, bốc xếp gỗ lớn, cưa xẻ thủ công cây gỗ lớn có đường kính lớn hơn 40cm bằng phương pháp thủ công; cưa cắt cành, tỉa cành ở độ cao trên 5m bằng phương pháp thủ công;
Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ 4 át-mốt- phe trở lên (như máy khoan, máy búa); Lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như: máy xúc, máy gạt ủi, xe bánh xích (trừ các máy có hỗ trợ thủy lực);
Các công việc sơn, sửa, xây, trát, vệ sinh, trang trí trên mặt ngoài các công trình cao tầng (từ tầng 3 trở lên hoặc ở độ cao trên 12m so với sàn công tác) không có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố; Mò vớt gỗ chìm, cánh kéo gỗ trong âu, triền đưa gỗ lên bờ;
Xuôi bè mảng trên sông có nhiều ghềnh thác; Khai thác tổ yến (trừ trường hợp khai thác tổ yến trong các nhà nuôi yến); khai thác phân dơi; Các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch).
Công việc gác tàu, trông tàu trong âu, triền đà; Vận hành nồi hơi (trừ việc vận hành tự động, vận hành nồi hơi sử dụng năng lượng là dầu và điện); Lái xe lửa (trừ xe lửa có chế độ vận hành tự động hóa cao, các tàu chạy trong nội đô, tuyến du lịch);
Các công việc đóng vỏ tàu (tàu gỗ, tàu sắt), phải mang vác, gá đặt vật gia công nặng 30kg trở lên; Khảo sát đường sông ở những vùng có thác ghềnh cao, núi sâu nguy hiểm; Vận hành tàu hút bùn; lái cẩu nổi; Lái ôtô có trọng tải trên 2,5 tấn (trừ các ô tô trọng tải dưới 10 tấn có hệ thống trợ lực);
Các công việc phải mang vác trên 50kg; Vận hành máy hồ, máy nhuộm các loại, máy văng sấy, máy kiểm bóng, máy phòng co (trừ các máy có chế độ vận hành tự động hóa); Cán ép tấm da lớn, cứng (trừ các máy có chế độ vận hành tự động hóa); Lái máy kéo nông nghiệp có công suất từ 50 mã lực trở lên; Mổ tử thi, liệm, mai táng người chết (trừ điện táng), bốc mồ mả; Đổ bê tông dưới nước; thợ lặn;
Nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần);
Đào lò; đào lò giếng; các công việc trong hầm mỏ (trừ dịch vụ y tế - xã hội và các công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân thủ theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ);
Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng chất phóng xạ; Sản xuất, chế biến chất phóng xạ; Lưu giữ chất phóng xạ và xử lý, lưu trữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ;
Đóng gói, vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân; Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ; Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có khả năng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ion hóa;
Tiếp xúc trực tiếp với sơn trong quá trình sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài, tranh sơn mài; Sản xuất, chế tác, tiếp xúc trực tiếp kim loại trong quá trình làm tranh đồ họa liên quan đến khắc kim loại; Xiếc (mạo hiểm, uốn dẻo, xiếc thú, đế trụ); Múa rối nước;
Múa ba lê (ballet); Trực tiếp kiểm kê, bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu, sách, báo, phim, ảnh trong kho lưu trữ, phòng kỹ thuật bảo quản của thư viện; Trực tiếp làm công việc phục vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài liệu; Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật, tu sửa, phục chế hiện vật bảo tàng; Vệ sinh công nghiệp trạm biến áp 500kVA.
Danh mục các nghề, công việc được áp dụng đối với lao động nữ trong thời gian có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Ngoài 55 công việc quy định ở trên, các công việc sau sẽ ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con đối với lao động nữ trong thời gian họ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi:
Các công việc ở môi trường lao động bị ô nhiễm bởi điện từ trường nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động (như công việc ở các đài phát sóng tần số ra-đi-ô (radio), đài phát thanh, phát hình và trạm ra-đa (radar), trạm vệ tinh viễn thông);
Tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng) với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi, diệt côn trùng và các hóa chất khác có khả năng gây biến đổi gen và ung thư;
Trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sữa mẹ, ví như: Andrin; Antimon; Betaquinin; Các hợp chất có chứa lithi; Canxiferol…
Các công việc tiếp xúc với dung môi hữu cơ như: ngâm tẩm tà vẹt, trải nhũ tương giấy ảnh, in hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy láng mỏng, cán ép nhựa phenol, vận hành nồi đa tụ keo phenol;
Các công việc trong sản xuất cao su: phôi liệu, cân đong, sàng sẩy hóa chất làm việc trong lò xông mủ cao su;
Sửa chữa lò, thùng, thép kín đường ống trong sản xuất hóa chất; Làm việc ở lò lên men thuốc lá, thuốc lào, lò sấy điếu thuốc lá; Đốt lò sinh khí nấu thủy tinh, thổi thủy tinh bằng miệng; Ngâm tẩm da, muối da, bốc dỡ da sống; Tráng paraphin trong bể rượu;
Sơn, hàn, cạo rỉ trong hầm men bia, trong các thùng kín; Vào hộp sữa trong buồng kín; Phá dỡ khuôn đúc; Chế biến lông vũ trong điều kiện hở; Làm sạch nồi hơi, ống dẫn khí; Nghiền, phối liệu quặng hoặc làm các công việc trong điều kiện bụi chứa từ 10% dioxyt silic trở lên;
Tuyển khoáng chì; cán, kéo, dập sản phẩm chì, mạ chì; Quay máy ép lọc trong nhà máy; Vận hành máy nổ, máy phát điện từ 10KVA trở lên; Đứng máy đánh dây, máy phun cước; Lái máy kéo nông nghiệp (bất kể loại công suất nào);
Lái máy thi công (bất kể loại công suất nào); Lái ôtô có trọng tải dưới 2,5 tấn (trừ lái xe có trợ lực); lái xe điện động, các phương tiện vận tải tại cơ sở; lái cầu trục tại cơ sở; Lưu hóa, hình thành, bốc dỡ sản phẩm cao su cỡ lớn, bao gồm thùng, két nhiên liệu, lốp ôtô;
Mang vác nặng trên 20kg; Tham gia trực tiếp vào các hoạt động điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch tại thực địa nơi đang nghi ngờ hoặc ghi nhận có trường hợp mắc bệnh; Xúc, sấy, vận chuyển cá thối hoặc làm trong dây chuyền sản xuất bột cá gia súc;
Xáo đảo xúc bùn ao nuôi thủy sản, hải sản; Công việc trực tiếp tiếp xúc với hóa chất thuốc nhuộm trong các nhà máy nhuộm như: thủ kho, phụ kho hóa chất; pha chế hóa chất thuốc nhuộm; Đóng bao xi măng bằng máy 4 vòi bán tự động;
Lắp đặt, sửa chữa trạm VSAT (trạm mặt đất thông tin với ăng ten nhỏ) ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới và hải đảo; Công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn; Làm việc trong môi trường thiếu dưỡng khí; trong nhà xưởng nơi có nhiệt độ không khí từ 40°C trở lên về mùa hè và từ 32°C trở lên về mùa đông;
Làm việc trong môi trường lao động có độ rung cao hơn giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động; sử dụng các loại máy, thiết bị có độ rung toàn thân và rung cục bộ cao hơn giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động;
Công việc có tư thế làm việc gò bó, trong không gian chật hẹp có khi phải nằm, cúi, khom; Giao, nhận, bảo quản, vận hành máy bơm và đo xăng, dầu trong hang hầm; giao, nhận xăng, dầu trên biển; Vận hành thiết bị nấu, đúc lá cực chì trong sản xuất ắc quy; Vận hành thiết bị sản xuất và đóng thùng phốtpho vàng.
Những việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam
Các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam theo quy định tại khoản 1 Điều 142 của Bộ luật lao động như sau:
Tiếp xúc trực tiếp với kim loại nặng như Cadimi (CD), chì (Pb), niken (Ni), thủy ngân (Hg)...; Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp như Benzene (C6H6); Toluene (C7H8); Xylene (C6H10), thuốc trừ sâu, diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn;
Tiếp xúc trực tiếp với sóng siêu âm cao tần như sóng ra-đa (radar)…; Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng chất phóng xạ; Sản xuất chế biến chất phóng xạ; Lưu trữ chất phóng xạ và xử lý, lưu trữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;
Sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ; Đóng gói, vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân; Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ; Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có khả năng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ion hóa.
Ngoài quy định danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con, Điều 11 của Thông tư này còn quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động
Người sử dụng lao động có trách nhiệm: thực hiện công bố công khai để người lao động biết về những nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con đang có tại nơi làm việc;
Cung cấp đầy đủ thông tin về tác hại cũng như các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của các nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để người lao động lựa chọn, quyết định làm việc;
Đồng thời, thực hiện khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, khi sử dụng người lao động làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Người lao động có trách nhiệm: Tìm hiểu kỹ về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con để xem xét, quyết định việc giao kết, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định;
Cùng với đó, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khi làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con theo hợp đồng lao động.