Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đào tạo nghề trên 10 triệu lao động nông thôn, 80% có việc làm mới, thu nhập cao hơn

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - “Gần 14 năm, đến nay có trên 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo, trong đó 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Từ chính sách đào tạo nghề, đến nay có trên 80% nông dân sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định như vậy tại hội nghị Đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 diễn ra chiều nay 30/12, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo các bộ, ngành dự Hội nghị

Cuộc đối thoại diễn ra trong những ngày cuối năm 2023, khi chúng ta đã đi hết 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Tại đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã tham gia gỡ các “nút thắt”, giải tỏa những băn khoăn về đào tạo nghề, bảo đảm việc làm cho lao động nông thôn.

Nâng cao kỹ năng nghề gắn với việc làm: Điều kiện tiên quyết

Đề đạt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Lao động, ông Phạm Đình Quỳnh, Giám đốc HTX chè Quang Minh (tỉnh Tuyên Quang) trăn trở, ngoài công tác dạy nghề để chuyển đổi nghề cho nông dân, thì nông dân đang có nhu cầu lớn về bồi dưỡng, tập huấn nghề ngắn ngày, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đào tạo việc làm nhằm góp phần nâng thu nhập đối với lao động nông thôn trên địa bàn.

“Vậy có chính sách, giải pháp cụ thể gì để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày gắn với tạo việc làm cho nông dân?”, ông Quỳnh chất vấn.

Trả lời quan tâm này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay, chúng ta luôn quan tâm nâng cao chất lượng hiệu quả bồi dưỡng cho nông dân.

Những kết quả này đã được khẳng định qua gần 14 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Quyết định 46 ngày 28/9/2015 về hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó có ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ông Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc HTX chè Quang Minh (Tuyên Quang) mong muốn Chính phủ có chính sách, giải pháp cụ thể giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân

“Đến nay có trên 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo, trong đó 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Từ chính sách đào tạo nghề, đến nay có trên 80% nông dân sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn, trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng”, Thứ trưởng thông tin.

Trong số đó có đến 23,8% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và nhờ đó thoát nghèo, trở thành hộ khá và chuyển đổi khỏi những vùng nghèo.

Chưa hết, theo ông Nguyễn Bá Hoan, ngày 4/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đào tạo nghề nói chung, trong đó có định hướng mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đào tạo qua đạt 50% người lao động qua đào tạo.

“Trong đó, Chính phủ tiếp tục tập trung vào 7 giải pháp chính”, Thứ trưởng nhấn mạnh:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nghề, nguồn nhân lực cho nông thôn, lấy người dân nông thôn làm trung tâm; coi việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm và là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện sự nghiệp nông nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, sửa đổi Luật Việc làm sẽ có nhiều cơ chế, chính sách được quan tâm hơn trong đào tạo, việc làm cho lao động nông thôn

Hai là, phát triển đào tạo, bồi dưỡng cho lao động nông thôn cần phải được tăng cường, ưu tiên đầu tư từ ngân sách. Trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo cho lao động vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, người dân hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nhóm yếu thế, bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội đào tạo nghề và việc làm.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nông thôn về việc học nghề.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa theo Thứ trưởng là đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và yêu cầu của thị trường; bảo đảm việc đào tạo thực chất đi vào chiều sâu, hiệu quả, gắn với chiến lược phát triển KT-XH của từng địa phương cũng như của cả nước.

Năm là, phát triển đào tạo nghề cho người nông dân theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số.

Sáu là, thực hiện gắn kết đào tạo nghề với sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh nông sản, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Bảy là, coi trọng và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn của vùng nông thôn để đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn.

Đồng thời thu hút lao động nông thôn làm việc, khắc phục tình trạng lao động di cư lên các thành phố lớn gây mất cân đối cung cầu lao động.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Luật việc làm (sửa đổi) sẽ có nhiều cơ chế quan tâm hơn

Quan tâm đến giải quyết việc làm cho lao động mất việc, ông Nguyễn Xuân Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương tại điểm cầu Nghệ An nêu thực trạng, hiện một bộ phận lao động nông thôn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, đô thị mất việc làm (chủ yếu bị doanh nghiệp sa thải, cắt giảm lao động) quay trở về quê mang theo nhiều khó khăn, phức tạp cả về việc làm, đời sống và an sinh xã hội ở nông thôn.

Vì thế, ông Khánh đặt câu hỏi: “Chính phủ và các ngành chức năng có chính sách, giải pháp gì để hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người lao động mất việc trở về để đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn?”

Về băn khoăn này Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, giải quyết việc làm cho lao động từ khu đô thị, thành phố trở về, và lao động từ nước ngoài trở về nông thôn được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, chỉ đạo.

Cụ thể, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, quỹ hỗ trợ việc làm và các nguồn ưu đãi tín dụng khác. Trong đó, thực hiện hỗ trợ từ gói 10.000 tỷ trong chương trình phục hồi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo việc làm gắn các đối tượng lao động nói chung, trong đó gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Ba chương trình này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện đang được triển khai ở các địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.

Vẫn theo ông Hoan, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách trên, đồng thời chủ động nghiên cứu các chính sách.

"Bộ cũng đang hoàn thiện Đề án sửa đổi Luật việc làm và sẽ báo cáo Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2024. Khi sửa đổi sẽ có nhiều cơ chế, chính sách được quan tâm hơn trong đào tạo, bố trí việc làm cho lao động nông thôn”, Thứ trưởng khẳng định.

Làm rõ thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, về nguyên tắc, để chuyển dịch lao động thì phải quan tâm đào tạo nghề, và đến nay các chính sách đã có tương đối đầy đủ.

Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai, đôn đốc, hướng dẫn để người nông dân có điều kiện tiếp cận bình đẳng về giáo dục đào tạo, lao động và việc làm, từ đó chuyển đổi nghề, tham gia thị trường lao động, kể cả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Thanh Nhung

.