Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đề xuất các nội dung đào tạo nghề vào Bộ luật Lao động sửa đổi

Ngày 18/4, tại Hải Phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của doanh nghiệp về việc rà soát và đề xuất những nội dung quy định về đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong Bộ luật Lao động sửa đổi.

 

TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại Hội thảo

TS Phan Chính Thức, thành viên ban soạn thảo cho biết, các nội dung liên quan đến Giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động được đưa vào trong Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này bao gồm: Các khái niệm về đào tạo nghề; Phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động; Các hình thức người sử dụng lao động thực hiện đào tạo nghề và Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; Quy định về quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động; các chính sách đối với người sử dụng lao động trong đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong Bộ luật Lao động;… và những vấn đề mới chưa được quy định trong Bộ Luật lao động 2012, như Ngày Kỹ năng nghề thanh niên Việt Nam, Hội đồng kỹ năng ngành: tổ chức, cơ chế hoạt động và tác động. Hình thành Quỹ phát triển kỹ năng ngành. Một số quy định khác: Người dạy nghề; Cán bộ đào tạo nghề tại doanh nghiệp; Phân loại hợp đồng lao động….

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thông tin về quá trình rà soát, sửa đổi nội dung về đào tạo nghề, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ Luật Lao động sửa đổi

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, cho biết: dự thảo sửa đổi cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên ở tất cả các khâu từ xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá thông qua các cơ chế cụ thể như hội đồng tư vấn nghề ở cấp trường và hội đồng kỹ năng ngành. Ông Đoàn Văn Tiến cho biết thêm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có buổi hội thảo tham vấn các đối tác phát triển để đề xuất nội dung đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung rà soát kỹ, đánh giá và bổ sung những nội dung quy định về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Tổng cục đã phối hợp với Chương trình đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam– GIZ, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội nghị tham vấn với một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở rà soát lại các nội dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề để có đề xuất ban đầu về sửa đổi bổ sung các nội dung về đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề trong Bộ Luật lao động sửa đổi.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên thuộc TCty May 10 góp ý cho dự thảo Luật 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và cho ý kiến đề xuất một số nội dung trong Bộ Luật lao động sửa đổi như: Cần rà soát lại các định nghĩa, thuật ngữ vì điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các điều khoản quy định liên quan trong trong Bộ luật; dự thảo sửa đổi cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo thường xuyên ở tất cả các khâu từ xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo,  kiểm tra đánh giá thông qua các cơ chế cụ thể như hội đồng từ vấn nghề ở cấp trường và hội đồng kỹ năng ngành; làm thế nào để nhấn mạnh vai trò của các hội đồng kỹ năng ngành trong việc kết nối các bên liên quan tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên ký kết hợp đồng đào tạo khi hợp tác đào tạo, các nội dung liên quan đến hợp đồng đào tạo cần quy định cụ thể trong Bộ Luật lao động; trong việc hợp tác đào tạo, người sử dụng lao động cần cung cấp, chỉ định người đào tạo tại doanh nghiệp có đủ năng lực... Theo ông Pham Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Trường Hải, việc đưa các khái niệm về giáo dục nghề nghiệp vào trong Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này cần được thống nhất. Còn ông Nguyễn Việt Hà, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên thuộc TCty May 10 cho rằng, trong Luật Lao động sửa đổi lần này cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm  và quyền lợi doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Cần thành lập "Quỹ phát triển kỹ năng nghề” nhằm giúp hỗ trợ người lao động tham gia học nghề, gắn kết doanh nghiệp... nhưng quỹ này cũng quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động tham gia học nghề...

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trương Anh Dũng cho biết: Lĩnh vực GDNN có nhiều luật liên quan, cụ thể là Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Việc làm. Liên quan đến học nghề, phát triển kỹ năng cho người lao động, Bộ Luật Lao động quy định hẳn 1 chương. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vấn đề mới cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm có tính chất đột phá đó là: Chuẩn hóa hệ thống GDNN, Tự chủ cho các cơ sở GDNN và gắn kết các doanh nghiệp. Riêng nội dung gắn kết doanh nghiệp được triển khai tích cực, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan và doanh nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi các nội dung liên quan đến học nghề, phát triển kỹ năng trong Bộ Luật Lao động lần này sẽ tác động mạnh mẽ tới đối tượng là chủ sủ dụng lao động và người lao động, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động GDNN... Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi của hoạt động GDNN hiện không chỉ gắn ở trong các trường, lớp mà còn gắn chặt với hoạt động của các doanh nghiệp. Các nội dung này lại được quy định rất cụ thể trong Bộ Luật Lao động. Chính vì vậy, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng là nhằm tích hợp các quy định có liên quan ở trong 2 luật, đồng thời bổ sung thêm những quy định mới qua quá trình triển khai trong thời gian vừa qua cho phù hợp với thực tiễn.

Phó Tổng Cục trưởng ghi nhận những ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm sâu sắc, quý báu từ các chuyên gia trong nước, quốc tế và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ được tham vấn, trao đổi sâu hơn nữa từ các chuyên gia. Mục đích cuối cùng là để hình thành một khung pháp lý trong Bộ Luật lao động sửa đổi tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo gắn kết hợp tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết khâu việc làm cho người lao động. Để tập hợp rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo và người lao động..., trên trang Web của Tổng cục GDNN cũng sẽ đăng dự thảo những vấn đề liên quan đến GDNN trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này.