Dự thảo nêu rõ, trường cao đẳng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Trường cao đẳng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trường cao đẳng hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Thông tư quy định về Điều lệ trường cao đẳng và quy định của pháp luật có liên quan.
Trường cao đẳng trong Thông tư này được tổ chức theo 2 loại hình: Trường cao đẳng công lập và Trường cao đẳng tư thục.
Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là cơ quan, tổ chức được giao quản lý trường cao đẳng theo quy định của pháp luật, bao gồm: Trường cao đẳng trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; trường cao đẳng trực thuộc đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; trường cao đẳng trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Quyền tự chủ của trường cao đẳng
Theo dự thảo, quyền tự chủ của trường cao đẳng thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định sau:
Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường;
Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; quyết định mức thu giá dịch vụ đào tạo tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao theo quy định của pháp luật và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường cao đẳng theo quy định. Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo, hình thức đào tạo; quyết định việc liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo; in phôi văn bằng, chứng chỉ, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Đồng thời, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đăng ký kiểm định. Xây dựng, ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của trường; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc trường.
Đối với trường cao đẳng công lập được giao quyền tự chủ (trường cao đẳng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; trường cao đẳng tự bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm và bảo đảm theo quy định của pháp luật có liên quan. Được quyền quyết định tiền lương theo kết quả hoạt động của trường, được Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tăng cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối.
Đối với trường cao đẳng công lập chưa được giao quyền tự chủ (trường cao đẳng do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; trường cao đẳng do Nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng gồm: 1- Hội đồng trường đối với trường cao đẳng công lập, hội đồng quản trị đối với trường cao đẳng tư thục; 2- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; 3- Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; 4- Các khoa, bộ môn; 5- Các hội đồng tư vấn; 6- Phân hiệu; 7- Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).