Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đề xuất ngày “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”

(Dân sinh) - Ngày 17/6, Tổng cục GDNN tổ chức Hội thảo “Đề xuất ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”, với sự tham gia các nhà khoa học, nhà sử học, cán bộ quản lý GDNN...

Đề xuất chọn ngày “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 1.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo

Thực hiện Chỉ thị 24 ngày 28/5/2020 của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu để đề xuất chọn 1 ngày trong năm làm "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam", qua đó tôn vinh người lao động; tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò của người lao động, đào tạo nghề nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, các nước trên thế giới đều rất quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề, trong đó quan tâm hàng đầu tới kỹ năng nghề cho thanh niên. Chính vì vậy, năm 2014, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thống nhất chọn ngày 15/7 hàng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm cụ thể hơn nữa của toàn cầu đối với đầu tư phát triển kỹ năng cho thanh niên.

Tại Việt Nam, theo TS Trương Anh Dũng, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Về cơ chế, chính sách đã có Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm và nhiều văn bản hướng dẫn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nói chung và cho thanh niên nói riêng. Trong đó, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa bậc kỹ năng nghề của người lao động theo khung kỹ năng nghề quốc gia…

Đề xuất chọn ngày “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 2.

TS Nguyễn Chí Trưởng, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN đã trình bày một số Phướng án để có thể chọn làm ngày Kỹ năng nghề Việt Nam.

Những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung triển khai nhiều hoạt động, ban hành các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng trong kỷ nguyên số, thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên… Đặc biệt, phát động mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề giỏi khắp cả nước, thông qua việc tổ chức các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương đến cấp quốc gia…

Theo TS Trương Anh Dũng, hiện nhiều quốc gia có ngày kỹ năng lao động quốc gia, thậm chí là tuần, tháng, trong khi Việt Nam chưa có. Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang phối hợp với một số đơn vị để tôn vinh người thợ giỏi, người học giáo dục nghề nghiệp xuất sắc… Do đó, Việt Nam cũng cần có 1 ngày là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, qua đó để phát triển giáo dục nghề nghiệp, tôn vinh người lao động trong đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề xuất chọn ngày “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo

Tại Hội thảo TS Nguyễn Chí Trưởng, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN đã trình bày một số Phướng án để có thể chọn làm ngày Kỹ năng nghề Việt Nam.

Theo phương án 1, ngày 15/7 sẽ được chọn. Đây vốn là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Việc chọn ngày 15/7 thể hiện sự cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đồng thời hưởng ứng phát động phong trào về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên của Liên Hợp Quốc và Tổ chức thi kỹ năng nghề thế giới. Điều này tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các hoạt động về Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới với các quốc gia khác, bảo đảm yếu tố hội nhập quốc tế.

Chọn ngày 28/5 được coi là phương án 2. Đây là ngày Thủ tướng ký Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng xuất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Ở phương án 3 sẽ chọn ngày 5/6. Đây là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Chỉ từ đôi bàn tay trắng nhưng với trí tuệ, ý chí và kỹ năng lao động, Người đã vượt lên tất cả để hoàn thành sứ mệnh dân tộc. Ngày này là biểu tượng, tấm gương phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh gồm giá trị của kỹ năng lao động, là một giá trị cốt lõi góp phần tạo thành công của một vị lãnh tụ dân tộc. Ngày này gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó giúp lan tỏa giá trị to lớn của kỹ năng lao động.

Đề xuất chọn ngày “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 4.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, Phát triển kỹ năng cho người lao động có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển và phồn thịnh của mọi quốc gia trên thế giới. Chất lượng kỹ năng lao động giúp tăng tỷ lệ lao động có việc làm, tăng chất lượng việc làm bền vững, giảm thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội, tăng an sinh xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư việc đề xuất Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam là rất cần thiết.