Theo Báo cáo , chỉ 9% doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết không có kế hoạch tuyển dụng, còn lại khoảng 90% doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. 50% doanh nghiệp cho biết có nhu cầu mở rộng quy mô nhân sự thêm 11-20% quy mô và gần 25% có nhu cầu mở rộng thêm 21- 30%. Kết quả khảo sát cho thấy, ba yếu tố được đánh giá là lợi thế khi thành lập công ty công nghệ tại Việt Nam đều xoay quanh nhân lực như: Chi phí nhân công cạnh tranh; kinh tế ổn định (nhân lực trẻ, tăng trưởng GDP cao); nguồn lao động có chất lượng (giáo dục tốt, thông minh, có tầm nhìn). Tuy nhiên, khan hiếm nguồn nhân lực IT lại cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các công ty
.Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho hay, những yếu tố khách quan không kiểm soát được như tác động của dịch Covid-19 dẫn đến sự hạn chế tương tác trong đời thực, hay rủi ro cho con người khi tham gia vào các công việc nguy hiểm… đã khiến cho công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì khả năng có thể chuyển đổi các hoạt động trực tiếp thành trực tuyến, khả năng thay thế con người làm những công việc lặp đi lặp lại hoặc rủi ro. Nhu cầu sử dụng công nghệ cao đã được nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp ghi nhận, phát triển kế hoạch ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động mảng công nghệ thông tin.
Theo thống kê của Navigos Gropu, phần lớn các công ty công nghệ có nhu cầu tăng quy mô nhân sự. Trong đó, 3 ngành trong các công ty công nghệ đang thiếu hụt nhân sự là: phát triển website toàn diện (full-stack) chiếm 49% nhu cầu tuyển dụng mảng công nghệ, Java & Java script chiếm 27% và kiến trúc hạ tầng (Architect design) chiếm 22%.
Trong khi đó, các mảng công nghệ mới liên quan đến khoa học máy tính mặc dù vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không cao. Theo đó, có 18% doanh nghiệp thiếu hụt ứng viên để phát triển tự động hóa, 11% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển máy học và chỉ 2% doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự phát triển chuỗi khối (blockchain).
Khan hiếm nguồn nhân lực IT là thách thức lớn nhất đối với các công ty công nghệ. Ứng viên có kinh nghiệm được trả lương cao hơn so với nhiều ngành nghề khác. Khi so sánh theo mặt bằng lương chung, nhà tuyển dụng đang trả lương cho nhóm ứng viên có kinh nghiệm cao hơn một bậc so với nhiều ngành nghề khác, với khoảng lương từ 15-23 triệu đồng/người/tháng (tương đương 700-1.000 USD/người/tháng); các ngành nghề khác, mức lương phổ biến trả cho lao động có kinh nghiệm là 12-15 triệu đồng/người/tháng (tương đương 500-700 USD/người/tháng).
Để xử lý việc thiếu nhân lực công nghệ thông tin, 62% doanh nghiệp chọn tái cơ cấu về kỹ năng cho đội ngũ hiện tại; 56% doanh nghiệp chọn liên kết với trường đại học để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên tương lai.
Ông Gaku Echizenya cho rằng, đứng trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực công nghệ, mà còn phải chuẩn bị các giải pháp giữ chân nhân tài và ứng phó trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mới. Các doanh nghiệp cần cải thiện phúc lợi và môi trường làm việc; dự doán kế hoạch ứng dụng công nghệ mới để cấu trúc nhân sự hợp lý; liên kết với trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực tương lai; cơ cấu tổ chức cần chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.