Để giải bài toán này, doanh nghiệp ngành dệt may đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian giúp tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo tính toán, mức tăng lương bình quân đối với người lao động (NLĐ) dao động từ 200 nghìn đến 280 nghìn đồng/tháng. Cụ thể, vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng.
Cùng với đó, lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động ở mức 16,6 đến 23,8 nghìn đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương nhận định, các đơn vị trong hệ thống đều đang chi trả lương trên mức lương tối thiểu theo vùng. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí tiền lương đóng bảo hiểm, phí công đoàn...
Với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại công ty mẹ, ước tính chi phí này tăng khoảng 4 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi lao động khoảng 2 triệu đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phải tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng của năm 2023.
Ðiều đó thể hiện doanh nghiệp phải tăng thu nhập để giữ chân NLĐ, ổn định sản xuất. Với doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành may, các chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm tăng, trong khi đơn hàng giảm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không thể tăng lợi nhuận khi thị trường liên tục biến động.
Chung quan điểm, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho biết, hầu hết doanh nghiệp trong khu vực đều đang trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng, do đó NLĐ được hưởng từ chính sách này không đáng kể. Với doanh nghiệp, khi thị trường còn nhiều khó khăn, tăng lương tối thiểu vùng khiến doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản chi phí nữa, tạo áp lực mới cho doanh nghiệp.
Theo Tổng giám đốc Tổng công ty May Ðáp cầu Lương Văn Thư, với việc tăng lương tối thiểu theo vùng của doanh nghiệp lên 6%, ngoài việc tăng lương cho NLĐ, các chi phí đóng bảo hiểm, công đoàn cũng sẽ được điều chỉnh. Ðể bù đắp chi phí này trong khi đơn giá gia công chưa có nhiều cải thiện, đơn vị phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung tìm các giải pháp tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu suất.
Theo đó, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ, đổi mới trang thiết bị tự động và bán tự động, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp giúp tăng năng suất, cắt giảm chi phí không cần thiết.
Cùng với đó, các phòng, ban, xí nghiệp và tổ chức công đoàn cũng động viên, khích lệ NLĐ vượt khó cùng doanh nghiệp; phát động các phong trào thi đua tăng năng suất, có phần thưởng khích lệ đối với những sáng tạo làm lợi cho doanh nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả cho bản thân NLĐ và doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp dệt may, để giải bài toán tối ưu hóa lợi nhuận trong khi doanh thu không tăng, con đường duy nhất là tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian và ký kết hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng. Với các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, về nhân lực có thể tăng năng suất lao động thông qua kỹ thuật.
Nếu thực hiện tốt, có thể tăng được 5 - 7% năng suất. Ngoài ra, có thể tăng năng suất thông qua công nghệ như đầu tư thêm máy móc tự động; đồng thời, đổi mới về mặt quản lý, áp dụng công nghệ số cũng có thể giảm lao động gián tiếp, lao động tại kho, giảm được thời gian phân phối khâu đầu cuối.
Khi đã có đủ tiềm lực về công nghệ, có phần mềm quản trị tốt, doanh nghiệp ngành may có thể ký đơn hàng trực tiếp với đối tác Mỹ, châu Âu... thay vì thông qua bên trung gian như trước đây.
Ðối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực mạnh về tài chính, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho rằng, ngoài việc cải tiến trong công tác quản trị, hợp lý hóa tổ chức sản xuất để tăng năng suất và giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp chú trọng khích lệ, động viên các ý kiến, ý tưởng nâng cao năng suất, cải tiến quy trình làm lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, có sự chia sẻ về đơn hàng, xây dựng các nhà máy vệ tinh để trao đổi thông tin kịp thời về thị trường khi tình hình liên tục biến động.
Đức Kiên
Báo Lao động và Xã hội số 108