Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Giải quyết các thách thức về dân số để bền vững

LĐXH
LĐXH

“Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như chênh lệch mức sinh giữa các vùng, già hóa dân số nhanh chóng và mất cân bằng giới tính khi sinh..."

Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Dân trí.

Xin bà cho biết những thành tựu của công tác dân số thời gian qua?

Giải quyết các thách thức về dân số để bền vững - 1
Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Hoàng Thị Thơm phát biểu tại hội nghị.

- Trong 30 năm, tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989 - 1999 xuống 1,14% giai đoạn 2009 - 2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2 - 2,1 con/phụ nữ suốt thời gian qua.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007, tạo cơ hội để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm.

Cùng với đó, sự phân bố dân số đã hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ dân số đô thị tăng từ 20% năm 1993 lên 38,1% năm 2020. Chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới.

Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và trẻ em giảm mạnh. Từ năm 1993 đến nay, tỷ số tử vong mẹ đã giảm từ 110 xuống còn 46 trên 100.000 ca sinh sống năm 2019. 

Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…

Một trong số nhiệm vụ quan trọng và đòn bẩy của công tác dân số là đã tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động, giáo dục về dân số. Những chủ trương, đường lối về vấn đề dân số được tuyên truyền rộng rãi, được nhân dân đón nhận, ủng hộ và tích cực tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần đạt các mục tiêu.

Những thành tựu mà công tác dân số đạt được tác động to lớn và tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nâng cao bình đẳng giới, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; cải thiện chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của từng người dân, từng gia đình;

Qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây và tiến tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Đâu là những thách thức mà công tác dân số phải đối mặt?

- Bên cạnh những thành tựu, vấn đề dân số vẫn còn nhiều thách thức lớn như: Chênh lệch mức sinh giữa các vùng, già hóa dân số nhanh và mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng mang thai ở người chưa thành niên còn cao…

Từ năm 2020 đến nay, xu thế mức sinh xuống thấp xuất hiện tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang là vấn đề nóng. Từ năm 2012 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái (năm 2023 là 112), đặc biệt một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ này lên đến gần 120 như: Hưng Yên (119,5), Hải Dương (118,3), Quảng Ninh (124,4).

Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, mang thai ở người chưa thành niên còn cao. Theo điều tra năm 2021, tỷ lệ phụ nữ từ 20 - 24 tuổi có con ở tuổi chưa thành niên là 8,2%, trong đó khu vực Tây Nguyên 16,6% và Trung du miền núi phía Bắc 19,9%.

Những thách thức nếu không sớm được giải quyết sẽ gây ra những hệ lụy nào đối với đời sống kinh tế, xã hội?

- Tỷ suất sinh giảm, già hóa dân số sẽ tạo ra những thách thức về cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội liên quan đến nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi.

Việc tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến kìm hãm năng suất lao động. Mặt khác, đó cũng là thách thức trong việc bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi và các quyền, lợi ích chính đáng cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi vào sự phát triển của đất nước. 

Dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của quốc gia.

Hiện nay, phần đông người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất cũng như tinh thần, đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập, mạng lưới an sinh xã hội, trong khi hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam chưa phát triển, đặc biệt nhiều người già ở nông thôn không có lương hưu.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… như: Ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội; thừa nam, thiếu nữ (theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu năm 2059).

Thời gian tới, các thách thức sẽ được ngành dân số giải quyết thế nào, thưa bà?

- Ngành dân số tiếp tục nỗ lực triển khai theo tinh thần Nghị quyết    21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt…

Các hoạt động sẽ tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Síu (thực hiện) 

Báo Lao động và Xã hội số 145