Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Những định kiến giới khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam ngày càng trầm trọng. Nếu không có giải pháp hiệu quả, vấn đề này sẽ để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

Lựa chọn giới tính: Biểu hiện của bất bình đẳng giới sâu sắc 

Theo TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế): “Việt Nam đang bị MCBGTKS. Hiện tỷ số giới tính khi sinh của nước ta đang ở mức cao hơn nhiều so với mức cân bằng tự nhiên là 105-106 bé trai/100 bé gái.

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), cao hơn hẳn ở những lần sinh sau đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào.

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy - 1
Tỷ lệ bé trai nhiều hơn bé gái sẽ gây ra nhiều hệ lụy (Ảnh: CVA).

Mức độ mất cân bằng ở nước ta cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả. MCBGTKS sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia gặp tình trạng này”.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên từ năm 2006 (109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống). Tỷ lệ này có sự tăng giảm qua các năm, nhưng năm 2023 vẫn ở mức 112 bé trai/100 bé gái.

Nếu không được can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi từ 15-49 và tới năm 2059, con số này lên đến 2,5 triệu người (tương ứng với 9,5% dân số). 

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) nhấn mạnh: “Bất bình đẳng giới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới MCBGTKS. Nhiều gia đình vẫn quan niệm rằng: Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường; phải có con trai mới thành đạt; con gái là con người ta...

Tại nhiều vùng nông thôn, các gia đình có con trai đi ăn cỗ làng mới được ngồi mâm trên; chỉ con trai mới được đóng góp, tính công xây dựng, phát triển dòng họ, làng, xã...

Từ đó, các gia đình cố đẻ bằng được con trai. Cùng với đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống như bố mẹ già phải sống với con trai cả và thực tế nhiều người già vẫn còn phải sống phụ thuộc con, nhất là con trai. Chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi vẫn rất nhẹ”. 

TS Khuất Thu Hồng cho biết thêm, thực tế vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng tìm đủ mọi cách sinh được con trai và tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn diễn ra hằng ngày. Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời do việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Cần giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả xã hội

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy - 2
Muốn giảm MCBGTKS, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là định kiến giới (Ảnh: Hà Vy).

Nếu không được kiểm soát, MCBGTKS sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng:

- Mất cân bằng nhân khẩu học: Dư thừa nam giới dẫn đến khó khăn trong hôn nhân, đặc biệt tại các vùng nông thôn.

- Gia tăng tệ nạn xã hội: Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, mại dâm và các bệnh lây qua đường tình dục có nguy cơ gia tăng.

- Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em: Sự chênh lệch giới tính sẽ thúc đẩy các hoạt động phạm pháp như lừa đảo, bắt cóc và mua bán người.

Để giải quyết triệt để tình trạng MCBGTKS, cần có hành động quyết liệt và các giải pháp đồng bộ. Thời gian qua, nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để giải quyết vấn đề MCBGTKS, như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các nghị định, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh… 

Bên cạnh đó, theo Cục Dân số, công tác dân số hiện nay phải giải quyết đồng bộ và toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Muốn giảm MCBGTKS, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; vận động các gia đình thực hiện chính sách dân số, nêu cao vai trò và giá trị của trẻ em gái; đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để triển khai các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng…

Tình trạng MCBGTKS chỉ có thể được khắc phục khi Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ và dài hạn. Đó là trách nhiệm chung vì một tương lai công bằng và bền vững cho mọi thế hệ.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 22